Đề nghị xây dựng Nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn
17:58 - 21/05/2020
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Ảnh minh họa


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, quá trình thực tiễn triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập và còn thiếu quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước; mô hình tổ chức, yêu cầu năng lực của các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn; cấp nước an toàn khu vực nông thôn; cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình… cần được điều chỉnh, bổ sung.

Cụ thể, những bất cập, vướng mắc trong hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể kể đến như: Quy hoạch cấp nước nông thôn ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời, thiếu sự kết nối mạng cấp nước nông thôn và đô thị, chưa quan tâm đến yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chất lượng và quản lý quy hoạch còn hạn chế và chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tế, tầm nhìn ngắn hạn. Lập kế hoạch chưa đánh giá đúng nhu cầu thực tế; cơ chế lồng ghép giữa các chương trình, dự án có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn trong khâu lập kế hoạch còn rất hạn chế dẫn đến đầu tư còn chồng chéo và chưa hiệu quả.

Tỉ lệ sử dụng nguồn nước mặt để cấp nước nông thôn là 76,4%; sử dụng nguồn nước ngầm là 23,6%. Tuy nhiên, do đặc điểm của cấp nước nông thôn là những công trình nhỏ, cấp nước cho 1 vài thôn hoặc xã (rất ít công trình liên xã); khai thác nước từ các sông, suối… nhỏ do vậy bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn (cạn kiệt vào mùa khô; xâm nhập mặn hoặc độ đục quá cao vào mùa mưa lũ không thể xử lý…); mức độ ô nhiễm gia tăng do sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung, của sản xuất nông nghiệp (sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật); của chăn nuôi...

Công tác đầu tư xây dựng chưa đảm bảo chất lượng, đặc biệt công tác chuẩn bị đầu tư còn xem nhẹ, thực hiện chưa tốt nhất là công tác điều tra và khảo sát thiết kế, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội; tham vấn cộng đồng… Chất lượng xây dựng công trình cấp nước ở nhiều địa phương còn kém; đầu tư công trình không đồng bộ, lựa chọn công nghệ cấp nước chưa phù hợp với điều kiện nguồn nước và chưa xét đến yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; ô nhiễm, khô hạn, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước đã ảnh hưởng đến hoạt động bền vững công trình, không khai thác hết công suất thiết kế, giảm hiệu quả đầu tư, công trình xuống cấp, hư hỏng không có đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa. Phân cấp đầu tư, quản lý xây dựng chưa phù hợp với năng lực, chuyên môn ở cấp dưới dẫn đến ảnh hưởng về chất lượng và hiệu quả công trình cấp nước.

Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ) nhưng thực tế rất ít địa phương thực hiện trong cấp nước nông thôn.

Thêm vào đó, hiện nay chưa có quy định cụ thể đơn vị nào là chủ sở hữu tài sản công đối với công trình hay vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu và tổ chức quản lý. Thiếu hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn, quy định mô hình tổ chức quản lý phù hợp với từng loại hình, quy mô công trình cấp nước nông thôn tập trung mà mới chỉ dừng lại phương thức và ưu tiên đối tượng được chuyền giao, việc ưu tiên chuyển giao chung chung không theo tiêu chí công trình và mô hình tổ chức quản lý khi phân giao, chưa xác định quyền lợi và trách nhiệm của bên nhận giao công trình theo phần giá trị được giao hay toàn bộ công trình; chưa quy định năng lực và nội dung yêu cầu quản lý của các tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước; thiếu các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định về định mức quản lý, khai thác công trình và quản lý mạng cấp nước.

Việc chuyển giao quản lý, khai thác công trình cấp nước khó thực hiện do xác định phần góp vốn đầu tư của nhà nước chưa rõ. Đa phần vốn góp của nhà nước là các công trình cấp nước nông thôn đã được xây dựng từ trước, do nhà nước làm chủ đầu tư nhưng có một số công trình không thể định giá (nguyên giá và giá trị sử dụng). Nhiều công trình mặc dù vẫn hoạt động nhưng doanh nghiệp, tư nhân không muốn nhận vì khi nhận quản lý, khai thác thì công trình không đáp ứng được yêu cầu nên phải loại bỏ, thậm chí nhà đầu tư phải bỏ kinh phí để dỡ bỏ.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng Nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định còn thiếu phục vụ công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân một cách bền vững.

Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn và góp ý tại đây.

Tuệ Văn
Nguồn: baochinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn