Sự tác động của xuất bản phẩm lậu và giả đối với phát triển văn hóa đọc là vấn đề bức xúc được thảo luận nhiều nhằm tìm ra giải pháp xử lý ở Hội thảo khoa học do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức tại Hà Nội.
|
Ảnh: VOV |
Nạn sách lậu, giả đã ở mức báo động, không ngừng gia tăng về số lượng và liên tục bổ sung nhiều hình thức tinh vi. Trước đây, sách lậu, giả chủ yếu ở dạng in, được bày bán ở vỉa hè… thì nay xuất hiện nhiều xuất bản phẩm điện tử len lỏi vào các sàn thương mại có uy tín, được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, tạo thành một xu hướng phổ biến.
Hiện trạng này tác động không nhỏ tới ngành xuất bản, để lại những hệ lụy khôn lường đối với người tiêu dùng, người thụ hưởng. Nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói, phát tán trên không gian mạng và thậm chí cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên đánh cắp của Alpha Books và Omega Plus để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý hay ký kết hợp đồng phân phối.
So với sách in, sách điện tử đang đối diện nguy cơ làm lậu, giả diễn ra với tốc độ… điện tử.
Các chuyên gia đề xuất, có hai giải pháp chính nhằm ngăn chặn sách điện tử lậu, giả, gồm: Bảo vệ bằng kỹ thuật và bảo vệ bằng pháp luật. Về kỹ thuật, các đơn vị xuất bản cần lựa chọn nhà phân phối có hạ tầng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đầu tư cho khâu mã hóa (sử dụng tem thông minh, làm bìa ép kim, làm hiệu ứng, tạo mã QR, tem chống giả…).
Về pháp luật, các đơn vị và đối tác phân phối sách điện tử hợp pháp đều có quy trình xử lý vi phạm, từ cảnh cáo yêu cầu gỡ bỏ tới phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, thực tế, những nỗ lực này nhiều khi như “muối bỏ bể” bởi không ít trang mạng vi phạm nay gỡ xuống, mai thấy yên ắng lại đăng lên.
So với sách in, sách điện tử đang đối diện nguy cơ làm lậu, giả diễn ra với tốc độ… điện tử. Nhiều đơn vị phản ánh, sáng vừa phát hành sách thật, chiều phiên bản sách giả đã được sao chụp tràn lan trên không gian mạng.
Trong lĩnh vực xuất bản, pháp luật hiện nay quy định khá chi tiết các hành vi xâm phạm và cũng có chế tài xử lý. Tuy nhiên, vẫn thiếu những biện pháp thực thi và phối hợp cụ thể, quyết liệt của các cơ quan hữu quan.
Cụ thể, việc xử lý tình trạng sách lậu, giả trên nền tảng số hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên cơ sở ý thức bảo vệ tác quyền của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan, các nhà chức trách và cá nhân bị xâm phạm quyền phối hợp giải quyết vấn đề nhanh chóng và có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ của sự phát triển khoa học-kỹ thuật-công nghệ.
Nguy cơ mới và đáng báo động về sách điện tử lậu, giả đặt ra những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái cụ thể, hữu hiệu hơn và đặc biệt là sự đổi mới để bắt kịp những chuyển biến mạnh mẽ kéo theo nguy cơ của sách điện tử lậu, giả trên không gian mạng và điều chỉnh chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.