Ưu - nhược khi lao động hợp đồng một tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Bỏ tối đa 1% tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), lao động ký hợp đồng một tháng sẽ được nhận trợ cấp, tư vấn giới thiệu việc làm.
|
Lao động xếp hàng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội, tháng 6/2020, sau nửa năm bùng phát đại dịch. |
Trong tờ trình Chính phủ dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lao động có giao kết, ký hợp đồng một tháng trở lên tham gia BHTN, thay vì quy định từ 3 tháng mới đóng như hiện nay. Hiện lao động có hợp đồng từ một đến dưới ba tháng là nhóm có nguy cơ thất nghiệp cao.
Đánh giá tác động của đề xuất, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mở rộng người đóng sẽ tăng nguồn thu cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tăng tư vấn giới thiệu việc làm để lao động sớm quay lại thị trường, từ đó giảm chi các khoản trợ cấp mất việc.
Dự kiến mỗi năm lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 150.000 người, chiếm 5% tổng số người tham gia. Số tiền giảm chi tương ứng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 1.920 tỷ đồng (khoảng 11% tổng thu BHTN mỗi năm) với mức hưởng bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng, trung bình hưởng 4 tháng.
Khi tham gia BHTN, lao động có giao kết từ một đến dưới 3 tháng sẽ được hưởng chế độ cho người mất việc như trợ cấp, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, nâng cao kỹ năng và hỗ trợ các loại chi phí khác khi tham gia học nghề. Đây là nhóm không được hưởng quyền lợi theo Luật Việc làm hiện hành.
Về nhược điểm, chính sách mới sẽ làm tăng chi phí của lao động lẫn doanh nghiệp khi phải trích tiền lương đóng BHTN sau một tháng ký hợp đồng. Song Bộ Lao động cho rằng cần thiết để củng cố lưới an sinh và đảm bảo công bằng quyền lợi với nhóm ký hợp đồng trên 3 tháng.
Ủng hộ đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, cho rằng cần đồng bộ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHTN nhằm bảo vệ quyền lợi lao động. Bởi luật quy định lao động ký hợp đồng một tháng phải đóng BHXH, 3 tháng mới đóng BHTN là không hợp lý.
Số người tham gia BHXH bắt buộc hiện hơn 16 triệu (37% lực lượng lao động) trong khi số đóng BHTN là 14,3 triệu (31%), đồng nghĩa có gần 1,7 triệu lao động có hợp đồng từ một đến dưới 3 tháng. Nếu áp dụng chính sách, số tham gia vào BHTN sẽ tương ứng với số người đóng BHXH.
Lao động sẽ phải trích đóng một phần lương, song theo bà Hương "ai cũng phải đi làm và có nguy cơ thất nghiệp", cần giá đỡ trong thời gian tìm việc mới. Bà dẫn chứng trong đại dịch, nhóm lao động có hợp đồng dưới 3 tháng, chưa tham gia BHTN không nằm trong nhóm thụ hưởng gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách thực hiện theo nguyên tắc có đóng có hưởng, song vẫn mang tính chia sẻ giữa người đóng nhiều với người đóng ít.
"Người lao động luôn mong giữ được việc làm chứ không ai mong thất nghiệp để nhận trợ cấp, nhưng không ai lường trước được các cú sốc như đại dịch, cắt giảm việc làm", bà nói.
Bà Hương cũng đề xuất giảm mức đóng của doanh nghiệp lẫn lao động xuống 0,5% thay vì 1% như hiện hành. Đóng thấp thì hưởng thấp nên mức hưởng và thời gian hưởng cần được cơ quan quản lý tính toán khi xây dựng chính sách cụ thể. Với mức đóng hiện tại mà hưởng bình quân 3,2 triệu đồng và 4 tháng như hiện nay là chưa đủ chi phí cho lao động cầm cự trong thời gian tìm việc.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có hơn 173.000 lao động đang làm việc, cho rằng đóng BHTN cho lao động hợp đồng từ một đến dưới 3 tháng làm tăng chi phí song nằm trong khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng đặt vấn đề nhóm lao động này có thể bị làm khó khi thôi việc bởi thời gian ngắn. Khi đó chốt sổ bảo hiểm thế nào để nhanh và thuận tiện nhất cần phía bảo hiểm đôn đốc doanh nghiệp, không nên để lao động chờ đợi quá lâu gây ảnh hưởng quyền lợi. Các thủ tục hưởng cũng nên rút gọn để lao động có khoản trợ cấp trong thời gian tìm việc làm mới.
Ở góc độ người đang đi tìm việc, anh Nguyễn Văn Hoàng, 47 tuổi, cho rằng quan trọng nhất là doanh nghiệp tuân thủ hợp đồng lao động. Sau này lao động nghỉ việc cần được giải quyết thủ tục nhanh chóng để hưởng trợ cấp. Với những lao động mới vào và trong quá trình làm việc, doanh nghiệp cần cập nhật chính sách liên quan BHXH, BHTN, BHYT cho họ biết.
Chính anh Hoàng không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp sau 3 tháng thất nghiệp do bị công ty cũ trì hoãn trả quyết định thôi việc. "Nhiều doanh nghiệp khó dễ khi nhân viên nghỉ làm, kéo dài thời gian trả giấy tờ khiến lao động mất quyền lợi", anh nói, đề xuất cơ quan quản lý nên tính toán rút gọn các thủ tục hơn.
Khảo sát của VnExpress trên 2.500 độc giả cho kết quả 32% ủng hộ đề xuất lao động ký hợp đồng một tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 68% không đồng tình.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Hiện, nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc có đóng - có hưởng.
Theo quy định hiện hành, mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.
Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và có hiệu lực ngày 1/1/2026.