Tuổi nghỉ hưu tăng
15:09 - 30/01/2023
Từ ngày 1/1, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi, tăng lần lượt ba và bốn tháng.
Người cao tuổi đi dạo bên hồ Gươm (Hà Nội), tháng 11/2022.


Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nằm trong quy định của Bộ luật Lao động và nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ đầu năm 2021. Mỗi năm tuổi hưu với lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; bốn tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Tuổi nghỉ hưu năm 2022 với nam là 60 tuổi 6 tháng, với nữ là 55 tuổi 8 tháng.

Lao động có thể nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Điều kiện về hưu sớm là lao động đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại; làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn nếu có thỏa thuận với người sử dụng lao động, song không quá 5 tuổi so với quy định.

Tuổi hưởng lương hưu sẽ thay đổi tương ứng khi tuổi nghỉ hưu tăng. Từ hôm nay, lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu là nam 60 tuổi 9 tháng; nữ 56 tuổi và đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên.

Mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% bình quân tiền lương đóng BHXH tương ứng với số năm đóng. Thêm một năm đóng, mức hưởng tăng 2%. Ngược lại, mỗi năm nghỉ hưu sớm trước tuổi, lao động bị trừ 2%. Mức hưởng tối đa 75% áp dụng cho người đủ 35 năm đóng BHXH với nam và 30 năm với nữ.
Căn cứ tính mức hưởng lương hưu dành cho công chức, viên chức làm việc trong khu vực công là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 20 năm cuối trước thời điểm nghỉ hưu, áp dụng mức lương cơ sở. Với lao động trong doanh nghiệp là bình quân toàn bộ quá trình đóng, dựa trên lương tối thiểu vùng.

Lương hưu cao hay thấp ngoài thời gian đóng còn phụ thuộc mức đóng BHXH. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương ở mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động, hoặc hai bên thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.

Luật Bảo hiểm xã hội 2016 quy định, người lao động đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, dẫn tới nhiều người tham gia thời gian ngắn, không đủ năm tích lũy hưởng hưu trí nên chọn rút BHXH một lần. Trước thực trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo sửa luật theo hướng giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để người lao động dễ tiếp cận chính sách hưu trí.

 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn