Thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn có thể được vay tới 1 tỷ đồng
08:58 - 07/07/2022
Mức vốn cho vay thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp hoạt động tại vùng khó khăn tối đa là 1 tỷ đồng thay cho mức 500 triệu đồng hiện nay.
 

Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn cho vay tối đa. Quy định hiện nay tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg như sau: "Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng (đã được nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng theo Quyết định số 306/QĐ-TTg). Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 30 triệu đồng, giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng."

Tại Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg quy định: "Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 30 triệu đồng (đã được nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng theo Quyết định số 307/QĐ-TTg). Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật tối đa là 100 triệu đồng. Mức vốn cho vay thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp tối đa là 500 triệu đồng."

Với các nội dung trên, dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Đối với sửa đổi Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg: "Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 100 triệu đồng, giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng."

Đối với sửa đổi Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg: "Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán theo quy định pháp luật về chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 100 triệu đồng. Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân thực hiện chế độ kế toán theo quy định pháp luật về chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và kê khai nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật tối đa là 200 triệu đồng. Mức vốn cho vay thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp tối đa là 1 tỷ đồng."

Nâng mức cho vay góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, một số chương trình tín dụng lớn của NHCSXH đã được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quản trị của NHCSXH phê duyệt nâng mức cho vay tối đa để phù hợp với tình hình thực tế như: Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên; Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH là 100 triệu đồng; hộ vay không phải bảo đảm tiền vay). Đối tượng cho vay của các chương trình tín dụng vùng khó khăn là thương nhân hoặc là hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo. Do đó, việc duy trì mức cho vay tối đa như hiện nay (chỉ bằng ½ mức cho vay của chương trình hộ nghèo) là chưa đảm bảo tương quan giữa các chương trình tín dụng chính sách.

Ngoài ra, biến động giá cả thị trường tăng lên hàng năm, trong khi quy mô của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn ngày càng tăng lên. Do đó, mức cho vay tối đa hiện nay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng vay vốn.

Trong thời gian qua, NHCSXH cũng nhận được nhiều ý kiến của khách hàng vay vốn, kiến nghị của cử tri, ý kiến của đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, nâng mức cho vay tối đa cho các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án nâng mức cho vay như đã báo cáo nêu trên.

Giảm lãi suất cho vay còn 0,75%/tháng

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định lãi suất cho vay (Điều 8 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg).

Cụ thể, quy định hiện nay: "Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính."

Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung theo hướng: "Lãi suất cho vay bằng 0,75%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc bù đắp lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý đối với Chương trình này. Trong đó, lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội."

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


Khánh Linh
Nguồn: baochinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn