Đề xuất các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải xin phép |
Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung Điều 16a vào sau Điều 16, đề xuất trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải xin phép.
Cụ thể, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký bao gồm:
1- Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng khai thác từ 0,1 m3/s đến nhỏ hơn 0,5 m3/s (trừ hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,05 triệu m3 trở lên);
2- Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích cấp nước sinh hoạt nông thôn, không bao gồm mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 100 m3/ngày đêm đến 5.000 m3/ngày đêm;
3- Hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,05 triệu m3;
4- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô từ 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm;
5- Khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô nhỏ hơn 10 m3/ngày đêm thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này;
6- Tái sử dụng tuần hoàn nước dưới đất để tuyển quặng trong các mỏ khoáng sản mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô mỏ, hố móng xây dựng.
Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép, bao gồm:
a- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký nêu trên bao gồm cả các công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,05 triệu m3 trở lên;
b- Các công trình không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16 và các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký nêu trên khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi có đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các hạng mục công trình khai thác, sử dụng nước để cấp cho các mục đích kinh doanh (bao gồm cả nước cho hoạt động giết mổ), dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt;
c- Khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày đêm không thuộc quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước và các trường hợp sử dụng công khai thác, sử dụng nước dưới đất để dự phòng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.