Luật Thú y quy định rõ Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục thú y, huyện có Trạm thú y, xã có nhân viên thú y...
Để làm rõ vấn đề này, Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Thưa Thứ trưởng, trong nông nghiệp vấn đề quản lý dịch bệnh chăn nuôi, giết mổ, thuốc thú y đóng góp rất quan trọng để tăng trưởng bền vững. Vậy, thời gian qua thực trạng này đã được các địa phương triển khai như thế nào?
Như chúng ta biết rằng một đất nước đi lên công nghiệp hoá hiện đại hoá không thể không có nguồn thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, vì sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ, tầm vóc của người Việt Nam. Đặc biệt, bây giờ chúng ta thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đi vào chuỗi phân phối toàn cầu, chính vì vậy mà Quốc hội khoá 14 đã chọn giám sát đầu tiên là về an toàn thực phẩm (ATTP).
Trong chuỗi ATTP, với một số lượng khổng lồ về thịt, trứng, sữa nên chúng ta phải làm ngay từ sản xuất nông nghiệp, quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý vệ sinh thực phẩm. Chúng ta luôn phải xác định nông nghiệp vẫn là nền tảng của công nghiệp hoá hiện đại hoá, góp phần quan trọng vào ổn định đất nước, là trụ cột của nền kinh tế. Trong nông nghiệp, vấn đề quản lý giết mổ, quản lý thuốc thú y cũng đóng góp rất quan trọng để tăng trưởng bền vững. Năm nay có khoảng 7 triệu tấn thịt, 1,2 triệu tấn sữa ..vv... đều là đối tượng quản lý, với số lượng công việc rất lớn như vậy, đây cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng với sức khoẻ con người, cũng như an toàn dịch bệnh.
Tuy nhiên, qua giám sát về thực trạng cơ sở giết mổ, bây giờ chúng ta mới có 434 cơ sở giết mổ tập trung, còn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, quản lý thuốc bằng 16.000 mã hàng, nhiều năm trước đã được quan tâm, nhưng những năm gần đây thì không được quan tâm. Lý do thứ nhất là nhiều tỉnh thành đã bỏ hệ thống thú y, trong điều 6, Luật Thú y đã quy định rõ là Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục thú y, huyện có Trạm thú y và xã có nhân viên thú y. Lực lượng này sẽ quản lý dịch bệnh, vacxin thuốc thú y, giết mổ và khi tiến hành quản trị giết mổ thì nguồn thực phẩm như con lợn, gà và các động vật mang vào giết mổ đã được kiểm soát về mặt dịch bệnh; trong quá trình giết mổ cũng phải được kiểm soát từ nguồn nước, quy trình, dụng cụ trang thiết bị, khi đảm bảo yêu cầu mới cho mang ra thị trường tiêu thụ.
Trong thời gian qua, việc triển khai công tác thú y và thực trạng quản lý giết mổ cũng như buôn bán thuốc thú y ở các địa phương còn có tình trạng buông lỏng dẫn đến mất kiểm soát. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Như chúng ta đã biết, những năm qua một số tỉnh thành không thực hiện tốt các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác thú y cho nên việc quản lý giết mổ đã bị buông lỏng. Do đó, thực phẩm không được thông qua quản lý ở các lò mổ, thực trạng giết mổ thì nhỏ lẻ, phân tán, còn thuốc thú y bán khắp nơi, chưa kiểm nghiệm, khảo nghiệm đã bán rất nhiều, mà muốn quản lý được thì cần phải có máy, có con người, có trang thiết bị. Tuy nhiên, cũng đã có những cơ sở giết mổ quản lý rất tốt, cụ thể như TP.Hồ Chí Minh làm rất bài bản, kiểm soát tốt quá trình giết mổ, vận chuyển, kiểm soát, kể cả quá trình bày bán, như vậy chúng ta mới yên tâm không để xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm và đảm bảo ATTP cho con người và đặc biệt là lây lan dịch bệnh.
Thưa Thứ trưởng, việc hoàn thiện hệ thống Thú y cơ sở sẽ giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ ở các địa phương như thế nào?
Từ hơn chục năm qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về lĩnh vực này, tuy nhiên những năm gần đây thì việc quản lý chưa được thúc đẩy. Sắp tới đây, theo tinh thần Quyết định 414 của Thủ trướng Chính phủ về hoàn thiện hệ thống thú y, nhiều tỉnh thành đã triển khai. Như chúng ta đã biết, ATTP diễn ra ở rất nhiều khâu, phải làm tốt con giống, thức ăn, quy trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến và bày bán… tất cả các công đoạn đều phải kiểm soát một cách đồng bộ thì chúng ta mới có nguồn thực phẩm an toàn. Chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cơ sở thực hiện an toàn sinh học, vacxin, thuốc thú y, kiểm soát quy trình nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, thì đợt này chúng ta sẽ làm đồng bộ hơn và quyết tâm hơn ở công đoạn kiểm soát giết mổ và bày bán.
Từ thực trạng trên, trong thời gian tới những nội dung trọng tâm nào sẽ được Bộ chỉ đạo tập trung triển khai để khắc phục?
Về quản lý buôn bán thuốc thú y, các địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng, cơ sở thuốc thú y; lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, vaccine lưu hành trên địa bàn quản lý… Còn về đội ngũ cán bộ thú y nghe tỉnh nào cũng kêu thiếu và thiếu nghiêm trọng, công tác thú y tại cơ sở đang gặp bất cập lớn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực này. Một số tỉnh thành đã chuyển Chi cục thú y và Trạm thú y thành các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Đây là một mô hình mới nhưng lại không có cán bộ chuyên môn thú y, các Trung tâm dịch vụ phải có kinh phí mới có thể hoạt động. Nếu không có kinh phí, sẽ không có người kiểm soát dịch bệnh, không có người phun thuốc phòng bệnh, không có người tiêm vacxin, không thể kiểm soát dịch bệnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ra thị trường quốc tế.
Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu Chính phủ cùng Bộ nội vụ để làm sao số lượng viên chức công chức tham gia đảm bảo được đúng yêu cầu, tất nhiên trong thời gian thực hiện giảm biên chế chúng ta vẫn phải làm nhưng sẽ cân đối giữa các lĩnh vực để đảm bảo làm sao vẫn giảm được mà vẫn cân đối được cho lĩnh vực thú y và kiểm soát. Đồng thời, cần phải có cơ chế cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp.
Theo Thứ tưởng, công tác kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y đóng vai trò như thế nào trong việc phòng chống dịch bệnh động vật bảo đảm vệ sinh Thú y và ATTP?
Như chúng ta đã biết, khi xảy ra dịch bệnh ở nước Nga chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 57% nhưng đến bây giờ chỉ còn 12%. Khi xảy ra dịch tả lợn Châu phi ở Việt Nam, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình chiếm trên 52%, nhưng giờ đây chỉ còn trên dưới 40% và cũng có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào theo một chuỗi khép kín, theo kinh tế tuần hoàn và kiểm soát một cách chặt chẽ chuỗi ATTP. Đồng thời, xác định không chỉ phục vụ cho 100 triệu dân trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu với những lợi thế của Việt Nam. Đó là những điều kiện rất cơ bản cần phải triển khai trong thời gian tới.
Công tác kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh động vật bảo đảm vệ sinh Thú y và ATTP. Tuy nhiên, về quản lý buôn bán thuốc thú y cũng cần được đánh giá rõ thực trạng để có giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh hệ thống thú y cơ sở đang có nhiều thay đổi.
Vậy trong quản lý buôn bán thuốc thú y hiện nay còn những tồn tại bất cập gì và cần phải có chính sách như thế nào để hoàn thiện hệ thống thú y?
Trong những năm qua, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các chuỗi chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm động vật. Tuy nhiên, về quản lý buôn bán thuốc thú y, vẫn còn nhiều tồn tại bất cập như thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng giết mổ tập trung, công tác thanh kiểm tra buôn bán thuốc thú y còn thiếu đồng bộ không thống nhất…
Nhất là khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh cũng như ở nước ta đã xảy ra từ năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần phải tập trung kiểm tra, kiểm soát giết mổ một cách nghiêm túc và chặt chẽ. Nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội cũng đã có rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư, hạ tầng, đường điện… hỗ trợ tận đến chân công trình. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng ta đã buông lỏng việc này, giết mổ tại bờ sông, bờ suối, ngoài chợ, gia đình vẫn xảy ra và vấn đề ATTP chưa được kiểm soát chặt chẽ, do vậy dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Bộ NN-PTNT cũng đã đề xuất Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích đầu tư hạ tầng về cơ sở giết mổ tập trung; ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vốn, đất đai…
Để hoàn thiện hệ thống thú y, nhiều tỉnh thành đã triển khai, nhưng một số địa phương vẫn còn đang chờ đợi, do đó cần phải sớm hoàn thiện việc này vừa để chống dịch, vừa kiểm soát giết mổ; đồng thời tỉ lệ giết mổ cần phải được tăng cường hơn để đảm bảo được nguồn ATTP, cùng với việc phòng chống dịch bệnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ chế biến và bày bán…tất cả công đoạn cần phải kiểm soát một cách đồng bộ thì mới có nguồn thực phẩm an toàn. Đến nay, các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ, quyết tâm hơn ở công đoạn kiểm soát giết mổ và bày bán…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!