Đề xuất xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
09:38 - 16/11/2021
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với nhiều điểm mới được bổ sung nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành.
Theo dự thảo, người dân được tự mình đề xuất sáng kiến, đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định


Bộ Nội vụ cho biết, qua thực tiễn triển khai trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy các quy định về dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật.

 

Mục tiêu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.

 

Xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đồng thời giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Những điểm mới của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

 

 

Dự thảo Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ngoài các quyền được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của Pháp lệnh, dự thảo Luật bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền của nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định.

 

Hiện nay, Pháp lệnh số 34 quy định về các nội dung nhân dân bàn và quyết định nhưng không quy định về thẩm quyền đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định. Thực tế triển khai Pháp lệnh số 34 cho thấy nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất mà chưa có quy định về việc người dân được tự mình đề xuất sáng kiến, đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có sáng kiến đề xuất các công việc trong nội bộ cụm dân cư, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội và có 1/3 chữ ký đồng thuận của cử tri tại cộng đồng dân cư thì gửi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư thảo luận, quyết định. Quy định này nhằm tăng cường việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

 

Bổ sung các các nội dung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin

 

Để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, dự thảo Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

 

Để phù hợp với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền địa phương điện tử và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ thông tin có liên quan đến quyền, lợi ích của mình, dự thảo Luật bổ sung thêm hình thức đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; đăng tải trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đối với công khai thông tin tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật bổ sung hình thức công khai thông tin thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với nhân dân cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của các đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận như người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Luật quy định một số hình thức công khai thông tin đặc thù phù hợp với các đối tượng này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh
Nguồn: baochinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn