Tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản 1358/VPCP-QHĐP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.
|
Ảnh minh họa |
Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý đối với chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành và các cấp ở địa phương; vai trò giám sát của cộng đồng trong quản lý và điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh sự phân cấp, tính chủ động cho chính quyền cơ sở, nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện các hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua các quy định, các cơ chế đặc thù.
Dự thảo Nghị định kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg; bổ sung giải pháp chính sách đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.
Theo dự thảo, Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm; huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia của cộng đồng người dân; cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý và giám sát đầu tư, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; trách nhiệm của bộ, cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền ở địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đảm bảo các hoạt động hỗ trợ trong chương trình mục tiêu quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, không gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy bình đẳng giới.
Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Đối với nội dung “Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, dự thảo bổ sung một số quy định nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế rút ra từ quá trình áp dụng thực hiện, cụ thể:
Quy định cụ thể giải pháp đảm bảo huy động vốn theo từng nguồn vốn trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, cụ thể: Giải pháp đảm bảo cân đối từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh); giải pháp huy động vốn lồng ghép; giải pháp huy động vốn tín dụng; giải pháp huy động vốn hợp pháp khác.
Bổ sung quy định nguyên tắc phân bổ vốn nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hằng năm phải dựa trên kết quả thực hiện, kết quả giải ngân nguồn vốn năm trước nhằm hướng tới việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước gắn với kết quả đầu ra.
Bổ sung nội dung chi đảm bảo cho một số hoạt động giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Luật Đầu tư công năm 2019.
Bổ sung quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn nói chung và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng để cụ thể hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 25/2021/QH14. Đây là nội dung mới, có tính đặc thù theo hướng mở rộng phân cấp cho cấp tỉnh trong quyết định định mức sử dụng, thủ tục thanh toán, quyết toán nguồn vốn lồng ghép để khắc phục những bất cập trong thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn ở các giai đoạn đoạn trước…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.