Gia tăng ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật
16:42 - 26/08/2020
(MTNT)- Hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đó là phòng, trừ dịch bệnh, bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. 
Bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi trên cánh đồng.


Năm năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.
 
 
Nếu trước đây, thuốc chủ yếu sử dụng cho cây lúa thì ngày nay còn được sử dụng phổ biến trên cây rau và nhiều loại cây trồng khác. Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, cà phê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây.
 
 
Tại Thái Bình, với gần 79.000ha lúa, 36.000ha cây màu vụ đông và hàng nghìn héc-ta cây màu xuân, hè, lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp trong tỉnh rất lớn. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận được xả thẳng ra môi trường thông qua hệ thống kênh, sông trục tiêu của hai hệ thống thủy lợi Bắc và Nam, gây ô nhiễm môi trường mặt nước, đất, không khí.
 
 
Dựa trên các đối tượng gây hại khác nhau mà thuốc bảo vệ thực vật được phân ra một số loại chính như: Thuốc diệt trừ cỏ dại; thuốc trừ sâu, trừ nhện hay côn trùng gây hại; thuốc trừ nấm, vi khuẩn hay vi sinh vật gây hại; thuốc điều hòa sinh trưởng, phát triển.
 
 
Trong đó, thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng. Nếu không có tác động của các biện pháp bảo vệ thực vật, sâu bệnh hại và cỏ dại thì năng suất cây trồng có thể giảm tới 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.
 
 
Tại Hà Tĩnh, thay vì phát cỏ, dọn vệ sinh đồng ruộng, nhiều hộ dân đã lạm dụng thuốc trừ cỏ để làm sạch ruộng đồng. Trên các cánh đồng, những đám cỏ chết khô sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, xen lẫn là một số khu vực được phủ màu mùn đen do chủ đất đã đốt cỏ khô sau phun.
 
 
Thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate mà nhiều người dân đang sử dụng hiện nay có khả năng gây ung thư đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cấm tại Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019.
 
 
Những khu vực người dân phun thuốc chủ yếu là đất trồng hoa màu không sản xuất từ tháng 5/2019, cỏ dại mọc dày đặc. Theo một số người dân, sau khi phun thuốc “cỏ cháy”, cỏ chết rất nhanh. Loại thuốc này được xem như một “phép màu”, vừa rẻ tiền, vừa nhanh chóng biến những đám cỏ rộng lớn, còn tươi xanh trở nên chết khô chỉ sau một thời gian ngắn.
 
 
Trên cánh đồng thuộc các xã: Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Giang (huyện Nghi Xuân); xã Thịnh Lộc, (Lộc Hà),... cỏ dại chết khô. Cùng với đó là chai, lọ thuốc trừ cỏ sau khi phun được vứt bừa bãi trên cánh đồng. Trong số đó, đa phần là những chai thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, như: Kanup 480SL, Bravo 480SL,… Đây là hoạt chất đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa vào danh mục cấm và sẽ cấm sử dụng hoàn toàn vào tháng 6/2020. Và để tránh người dân dẫn trâu, bò đi vào những khu vực phun thuốc, các chủ đất đã cắm cọc có chai thuốc trừ cỏ làm dấu hiệu cảnh báo.
 
 
Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, mỗi năm, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 219,7 tấn thuốc BVTV đổ xuống đồng ruộng. Trong đó, có 81,2 tấn là thuốc trừ cỏ; 64,7 tấn thuốc trừ sâu; 67,4 tấn thuốc trừ bệnh và 6 tấn thuốc trừ chuột.
 
 
Ngoài ra, việc xuất hiện các dịch hại mới khiến người dân mãi phụ thuộc vào thuốc BVTV hay những chi phí để khắc phục sự ô nhiễm đất, ô nhiễm nước do thuốc BVTV gây ra. Những tổn thất khi các sản phẩm bị tồn đọng lại, không thể xuất khẩu vì có chứa dư lượng của các chất gây hại. Tất cả đe dọa một cách nghiêm trọng cho cả hệ sinh thái, cho sức khỏe con người.
 
 
Thuốc BVTV sau khi được sử dụng một phần sẽ bị bay hơi; một phần được quang hóa; một phần cây sẽ hấp thu và phân giải, chuyển hóa. Tuy vậy, dù có sử dụng bằng cách nào thì cuối cùng thuốc BVTV vẫn bị ngấm vào vào đất. Nếu loại thuốc có tính độc cao sẽ giết chết rất nhiều sinh vật có lợi trong đất. Kể cả thời gian phân hủy dài thì khổng đủ thời gian để đất phân hủy hết. Đặc biệt nếu dùng lâu dài và liên tục, chắc chắn các chất độc hại sẽ bị tích lũy lại dần trong đất.
 
 
Theo đó, tồn dư thuốc BVTV trong đất sẽ gây hại cho cây trồng. Đặc biệt là nhóm Clo có trong thuốc BTVT cực kì khó phân hủy trong nhiều năm. Điều này dẫn đến việc lượng tồn dư khi ở lại trong đất quá lâu sẽ sinh ra một hợp chất mới, thường sẽ có độc tính cao hơn cả bản thân nó ban đầu.
 
 
Những phần thuốc BVTV khi chưa thấm vào đất thì chảy tràn trên đồng ruộng, kênh rạch hay thông qua đất mà ngấm vào mạch nước ngầm. Chưa kể những bao bì hay lọ thuốc chứa thuốc mà người dân xục rửa rồi đổ ra các nguồn nước gần đó gây ô nhiễm nước nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật sống dưới nước. Đồng thời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người.
 
 
Nếu người canh tác hay người phun chủ quan, không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, không vệ sinh tốt sau khi phun xịt thuốc. Chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
 
 
Ngoài ra, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và trong môi trường (đất, nước, không khí) sẽ tham gia vào chuỗi thức ăn của con người. Bắt đầu quá trình gây hại trực tiếp cho con người và môi trường. Chúng có thể tác động ngay lập tức, tiềm ẩn hoặc tích lũy theo thời gian tới sức khỏe của con người. Một số loại hóa chất BVTV và hợp chất của chúng qua xét nghiệm cho thấy có thể gây quái thai và bệnh ung thư cho con người.
 
 
Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn quá nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.
 
 
Bên cạnh đó, việc xử lý bao bì thuốc BVTV chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh và nông dân quan tâm. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến ô nhiễm chất thải từ thuốc BVTV, về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
 
 
Tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV ngay tại ruộng lúa, bờ mương không chỉ ở một hay vài nơi mà ở đâu cũng có. Lượng thuốc BVTV sau khi sử dụng còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc trong khi bao bì đựng thuốc BVTV rất khó phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) mỗi năm vào vụ trồng sắn, người dân trồng hơn 5.000 ha, cùng với đó, sử dụng hàng nghìn chai, bao thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ.
 
 
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi vụ sắn chỉ sử dụng từ 2 - 4 lít thuốc BVTV để phun phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, bình quân các hộ ở huyện sử dụng từ 15 - 20 lít/vụ.
 
 
Sau khi lấy hết thuốc, bà con vứt vỏ chai, bao bì bừa bãi khắp nơi trên nương rẫy và khe suối. Điều đáng lo ngại là hiện có rất nhiều người dân đang lấy nước sinh hoạt chủ yếu từ các con suối nhỏ này.
 
 
Có thể thấy, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây ra những tác hại cực kì nghiêm trọng. Do đó để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV cần phải thận trọng khi bảo quản, sử dụng thuốc; phải dùng đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng lúc, đúng phương pháp. Sử dụng theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc chỉ dẫn ghi trên bao bì, nhãn mác. Các vỏ bao bì chứa đựng thuốc sử dụng xong phải được xử lý đúng cách, không làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới con người và vật nuôi.

Minh Tấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn