|
Khoảng 70% ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền |
Việt Nam có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền như: Chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng…, nên nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển không ngừng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội.
Hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo dòng sông đổ ra biển; bao gồm: Nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển, nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển, nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển; sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu.
Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270 - 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như: Các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong toàn khối nước biển.
Ngoài ra, các khu du lịch phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, hệ thống xử lý nước thải còn ít, chất thải…cộng với ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi, nạn khai thác titan ồ ạt đã và đang tác động xấu đến môi trường biển.
Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền, xuất phát từ những chất xả thải của các thành phố, thị xã, thị trấn, từ các ngành công nghiệp, xây dựng, y tế, hóa chất... Trong đó đáng kể và nguy hại nhất là chất thải từ các nhà máy thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra biển và đại dương một lượng lớn các chất bồi lắng, hóa chất, kim loại, nhựa, cặn dầu và thậm chí cả các chất phóng xạ.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng không ngừng tăng lên, hiện đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Ðáng buồn là Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng lên 41kg/năm/người. Ðáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến tháng 6/2019, số container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày ở các cảng Việt Nam là 4.474 trong tổng số 9.211 container phế liệu đang được lưu giữ.
Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.
Đáng quan ngại là tình trạng ô nhiễm biển do dầu có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn, số lượng tàu thuyền gắn máy loại nhỏ, công suất thấp, cũ kỹ và lạc hậu tăng nhanh nên khả năng thải dầu vào môi trường biển nhiều hơn. Các tàu nhỏ chạy bằng xăng dầu đã thải ra biển khoảng 70% lượng dầu thải. Hơn nữa, hoạt động của tàu thương mại trên tuyến hàng hải quốc tế cũng thải vào biển Việt Nam một lượng lớn dầu rò rỉ, dầu thải và chất thải sinh hoạt mà đến nay chưa thể thống kê đầy đủ. Theo thống kê, trong 10 năm gần đây đã xảy ra trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, dòng hải lưu di chuyển về phía bờ biển Việt Nam.
Ngoài ra, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Mức độ ô nhiễm trên đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, từ đó tác động đến sinh kế của người dân vùng biển.
Cụ thể, diện tích rừng ngập mặn mất khoảng 15.000ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển khác.
Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%).
Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ, và 1ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800kg thủy sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.
Việc ô nhiễm môi trường biển gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển, đồng thời, nó gây hại tới sức khỏe con người cũng như các sinh vật sống trên biển. Kèm theo đó là hệ sinh thái, cảnh quan của biển cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề.
Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm từ một số nước phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống, công cụ pháp lý về khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển.
Cụ thể với Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, Australia đã áp dụng toàn diện đối với vùng biển của mình. Việc xây dựng và ban hành các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật về biển đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thành công tác quản lý tổng hợp, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều quốc gia có biển.
Tại Nhật Bản, sau khi ban hành Luật Cơ bản về biển năm 2007, Nhật Bản đã thành lập một cơ quan đầu mối về chính sách biển tổng hợp do Thủ tướng đứng đầu, nhằm thúc đẩy biện pháp về biển một cách tập trung và tổng hợp.
Quản lý tổng hợp đới bờ cũng được áp dụng rộng rãi tại nước này với mục đích duy trì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái vùng bờ, thông qua công tác bảo tồn và bảo vệ, khuyến khích sử dụng bền vững các tài nguyên biển và ven bờ, đặc biệt liên quan đến các hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển chủ yếu, ngăn chặn những thiệt hại lớn về vật chất do triều cường, sóng to, gió lớn, lũ lụt, động đất, sóng thần và xói lở bờ biển... Nhằm duy trì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái vùng bờ thông qua công tác bảo tồn và bảo vệ, khuyến khích sử dụng bền vững các tài nguyên biển và ven bờ liên quan đến các họat động đánh bắt, khai thác nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển chủ yếu, ngăn chặn những thiệt hại lớn về vật chất do triều cường, sóng to, gió lớn, lũ lụt, động đất, sóng thần và xói lở bờ biển.
Tại Mỹ, Luật Quản lý đới bờ được thông qua năm 1972 đưa Mỹ trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và đới bờ. Luật Quản lý đới bờ ra đời đã giúp thúc đẩy, tăng cường sự tham gia và phối hợp của các bên liên quan trong việc đưa ra các chương trình tác động đến vùng ven biển, cân bằng giữa các nhóm cạnh tranh về lợi ích ở vùng ven biển.
Trong bối cảnh nhu cầu quản lý và phát triển bền vững môi trường biển ngày càng trở nên cấp thiết, cách tiếp cận quản lý sinh thái được xem là nguyên tắc cơ bản của chính sách biển quốc gia các nước như Australia, Mỹ… được áp dụng triển khai thành công trong thực tiễn trong quản lý biển tại khu bảo tồn Great Barrier Reef Marine Park của Australia, vùng biển Bering của Mỹ…
Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ chính là một trong những ưu tiên cần triển khai trong chính sách biển dưới thời Tổng thống Obama.
Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người.
Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng trong việc cùng chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi biển.
Cùng với đó, thời đại Internet phát triển nên việc lưu giữ số liệu, quản lý và cung cấp thông tin cũng thuận lợi và hệ thống thông tin GIS ứng dụng với web cũng đã phát triển mạnh. Việc thu thập, xây dựng, quản lý thông tin liên quan đến biển rất được chú trọng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia…
Để cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cũng được các nước quan tâm, chú ý đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới cũng không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương và đa phương về biển, các lĩnh vực chủ yếu liên quan đó là thúc đẩy khoa học kĩ thuật biển, điều tra biển, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa, kiểm soát tội phạm trên biển, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển.
Tại Việt Nam, để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, cần ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng ở các lưu vực sông, các khu, cụm công nghiệp ven biển...
Việc kiểm soát môi trường biển là một trong những phương pháp để bảo vệ môi trường biển hiệu quả nhất. Cần có những hoạt động tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác trên biển.
Theo đó, nghiêm cấm những hành vi sử dụng chất nổ, kích điện hay hóa chất độc hại. Những hoạt động này sẽ khiến thủy hải sản bị chết hàng loạt khiến một số loài có khả năng bị tuyệt chủng; cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi cố tình hay không chấp hành luật pháp của nhà nước.
Ngoài ra, cần quy hoạch hoạt động đánh bắt thủy, hải sản theo các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề,… để tránh tình trạng khai thác tràn lan, không phù hợp và khó quản lí như hiện nay…