Báo động tình trạng ô nhiễm nước thải nông nghiệp
16:42 - 25/08/2020
(MTNT)- Nước thải nông nghiệp đang là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại các địa phương có hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.
Trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.


Nước thải nông nghiệp phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó, từ hoạt động canh tác, trồng trọt có chứa hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.
 
 
Ở Việt Nam, hiện nay, hiệu suất sử dụng phân bón thấp, ước tính chỉ khoảng 60% cho nitơ, 40% cho phốtpho và 50% cho kali. Như vậy, hàng triệu tấn phân bón được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng.
 
 
Trong số phân bón chưa được cây sử dụng, một phần còn lại ngấm trong đất, một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thủy lợi ra các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
 
 
Những năm gần đây, chất lượng nước thải sinh hoạt tại một số ao, hồ, kênh mương khu vực nông thôn cũng đã ghi nhận hiện tượng nước bị ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.
 
 
Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng chất rắn lơ lửng TSS, BOD5, Nitơ của các muối Amoni (NH4+), Phosphat, Clorua (Cl-) và chất hoạt động bề mặt.
 
 
Ngoài ra, trong nước thải sinh hoạt còn có các thành phần vô cơ, coliform và các vi khuẩn, vi trùng gây bệnh khác. Nước thải sinh hoạt cũng chứa dầu mỡ và các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc phát sinh do sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt.
 
 
Bên cạnh đó, nước thải phát sinh từ chăn nuôi chiếm một lượng khá lớn kèm theo hàm lượng các chất gây ô nhiễm. Tính theo hệ số phát sinh nước thải trung bình trên đầu con vật nuôi là trâu, bò, lợn, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính tổng lượng nước thải phát sinh xấp xỉ 6,66 triệu m3/ngày.
 
 
Nước thải chăn nuôi thường có hàm lượng lớn chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh vật với một số thông số ô nhiễm đặc trưng bao gồm: BOD5, COD, tổng Nitơ và tổng Coliform được quy định rõ trong QCVN 62-MT:2016/BNTMT.
 
 
Cùng với sự phát triển mở rộng của các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
 
 
Nước thải làng nghề cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng nước trong các công trình thủy lợi bị suy giảm, ô nhiễm, điển hình tại các hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Đuống, sông Nhuệ.
 
 
Nguồn nước thải làng nghề đa phần có xu hướng bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề do nước thải từ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy. Nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm...
 
 
Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, nên việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn với chi phí tốn kém. Đã có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nước thải làng nghề nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
 
 
Tại Thừa Thiên – Huế, ước tính mỗi năm có khoảng 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu cùng khoảng 70 nghìn kg vỏ bao hoá chất không được xử lý xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
 
 
Với tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm hiện có, bình quân hàng năm trong tỉnh thải ra môi trường khoảng 700 nghìn tấn phân hữu cơ và 1,2 triệu m3 nước tiểu. Số hộ, trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng biện pháp xử lý chất thải bằng hầm khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học... mới chỉ chiếm khoảng 5%, nên một lượng chất thải chưa được xử lý vẫn thải trực tiếp ra môi trường hàng ngày.
 
 
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở nhiều địa phương trong tỉnh có xu hướng chuyển dịch từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Qua khảo sát thực tế của cơ quan chức năng, hình thức chăn nuôi này  dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng một số cơ sở vẫn gây ô nhiễm do công tác quản lý môi trường chưa chặt chẽ và áp dụng công nghệ chưa phù hợp.
 
 
Theo quy định, cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải từ 2m3/ngày đến dưới 5m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế còn khó khăn, bất cập. Đây là nguyên nhân ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn của tỉnh ngày càng nghiêm trọng.
 
 
Tại ĐBSCL sản xuất nông nghiệp năng suất liên tục tăng cao. Việc năng suất tăng cao thường đi liền với sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp được xem là nguồn thải phân tán và hầu như không thể kiểm soát được trong quá trình canh tác.
 
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hầu hết, nông dân trồng lúa đều sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhiều hơn mức được khuyến nghị. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc sên, 210 tấn hoạt chất thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Chỉ riêng ở An Giang và Kiên Giang, hai tỉnh sản xuất gạo lớn nhất của ĐBSCL, nông dân trồng lúa sử dụng phân bón nhiều hơn 20 - 30% so với mức khuyến cáo. Lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV dư thừa là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt trong khu vực.
 
 
Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên các sông vùng ĐBSCL. Toàn vùng có diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn trên 685.800 ha, bằng gần 60% của cả nước. Tại An Giang, đã có 102 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phát sinh nước thải từ 1.000 -70.000 m3/ngày đêm.
 
 
Một điều hết sức quan tâm, bùn phù sa lắng đọng trong ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi là nguồn gây ô nhiễm chính; chất thải ao nuôi công nghiệp cũng là nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước. Trong khi đó, hiện nay, vấn đề xử lý nguồn bùn thải, chất thải nuôi trồng thuỷ sản còn rất hạn chế chưa đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn môi trường quy định. Thêm vào đó, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng thường không được kiểm soát, không được xử lý (hoặc chỉ thông qua quá trình lắng sơ bộ), thải trực tiếp ra môi trường, gây tác động đáng kể đến chất lượng nước mặt. Sự cố tôm, cá chết do bệnh thường xảy ra, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước mặt.
 
 
Không chỉ có nước thải nông nghiệp, nước thải trong hoạt động chế biến nông nghiệp và thủy sản cũng đang khiến cho môi trường ĐBSCL điêu đứng. Toàn vùng có 37  khu công nghiệp (KCN) tại 12 tỉnh, thành phố đang hoạt động. Hầu hết, các KCN, cụm công nghiệp (CCN) tập trung trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL đều nằm dọc tuyến sông Hậu và sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Tỷ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL là 89%, tương đương tỷ lệ trung bình cả nước (88,5%). Trong tổng số 52 CCN có 17 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 33%, đây là tỷ lệ khá cao so với các vùng khác (tỷ lệ trung bình toàn quốc là 16. Như vậy, vẫn còn một lượng đáng kể nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tài nguyên nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển... đã có các dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh. Quan trắc môi trường nước cho thấy các chỉ tiêu bị nhiễm bẩn là: BOD, COD, Coliform, H2S, NH4, phèn sắt...
 
 
Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Các hoạt động sản xuất thâm canh tăng vụ trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ mặt trái như: Gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm; các nguồn chất thải trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi thủy sản và nước thải nông thôn… chưa được xử lý triệt để đang gây áp lực lớn ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, cần sớm có giải pháp ngăn chặn.
 
 
Thời gian tới các địa phương cần tập trung xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí.
 
 
Các bộ, ngành, địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ bảo vệ môi trường và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải, nước thải ô nhiễm; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu dân cư…

Trần Tuấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn