Thành phố Hà Nội: Giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp
10:00 - 28/08/2020
(MTNT) – Thời gian qua, chính quyền cùng các cấp, các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn.
Nếu bà con nông dân biết cách sử dụng thuốc BVTV đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả, tạo ra nhiều lợi ích và thu nhập

 
Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò hết sức quan trọng để phòng, trừ các loại sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất và sản lượng của cây trồng, bảo quản chất lượng nông sản. Do đó, nếu bà con nông dân biết cách sử dụng thuốc BVTV đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả, tạo ra nhiều lợi ích và thu nhập.
 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt & BVTV thành phố, lượng thuốc BVTV được sử dụng tại các địa phương cho thấy có nhiều tín hiệu vui khi đang thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình chung của cả nước (chỉ bằng khoảng từ 16 - 20%). Qua các năm, năm 2016, nông dân Hà Nội sử dụng 316 tấn; năm 2017 có 265 tấn; năm 2018 là 362 tấn.

 
Như vậy, ước tính trong cả nước, mức trung bình số lượng thuốc BVTV đang được sử dụng cho 1 ha sản xuất nông nghiệp cần tới 10 kg thì nông dân của Hà Nội chỉ cần từ 1,67 - 2,1 kg. Đồng nghĩa với việc nếu như đem so sánh với Hà Nội, các địa phương khác trong toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% sản lượng thuốc BVTV. Điều này cũng phát sinh nguy cơ cao làm ảnh hưởng đến các vấn đề về an toàn thực phẩm cũng như gây ra những tác tại xấu đối với sức khỏe của người dân và môi trường.

 
Mặt khác, với khối lượng sử dụng ngày càng giảm xuống như hiện nay, hàng năm, Hà Nội còn tiết kiệm được từ 190 - 201 tỷ đồng. Đây chính là chi phí cần dùng cho việc mua thuốc BVTV phục vụ trong sản xuất nông nghiệp nói chung.

 

Mặc dù nhiều huyện ngoại thành đã giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây lúa, thậm chí còn không phun, nhưng năng suất mùa vụ của toàn thành phố vẫn duy trì ở mức khá cao. Bình quân đạt 56,28 tạ/ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn/năm.
 
Bên cạnh đó, hiện nay tại nhiều địa phương, qua thống kê cho thấy tỷ lệ bà con nông dân không còn sử dụng thuốc BVTV đạt được ngày càng cao. Điển hình là các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên…

 
Có những xã cũng đang sử dụng rất ít số lượng thuốc BVTV, tiêu biểu như: Xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai); Đại Nghĩa và Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức)… Đáng chú ý, có gần 60% nông dân tại các huyện ngoại thành hiện đang chuyển hướng sang sử dụng các loại thuốc thảo mộc và sinh học để bảo vệ cây trồng.

 
Tại địa bàn huyện Thanh Oai, với 21 xã, thị trấn thì đang có 6 xã trồng rau và 3 xã trồng cây ăn quả hiện vẫn còn dùng thuốc; trong khi hầu hết những xã trồng lúa còn lại đang dùng rất hạn chế hoặc gần như không dùng thuốc BVTV nữa. Vì thế, toàn huyện hiện chỉ còn 3 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV đang còn hoạt động, so với trước đây có tới 26 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.

 
Tương tự, địa bàn huyện Phú Xuyên có 7.396 ha diện tích lúa nhưng số lượng thuốc sâu sử dụng chỉ khoảng 825 kg/vụ, thuốc bệnh chỉ còn 728 kg/vụ. Nhiều xã còn gần như không dùng thuốc BVTV trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tiêu biểu như các xã: Quang Trung, Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên.

 
Huyện Mỹ Đức cũng có xã Hồng Sơn là đơn vị điển hình 3 năm liền không dùng đến các loại thuốc trừ sâu. Trong đó, có các Hợp tác xã tiêu biểu như: Hợp tác xã Hợp Tiến; Hợp tác xã Đại Nghĩa…

 
Đáng chú ý, các quận như Hoàng Mai và Thanh Trì trong những năm gần đây đã được đánh giá là vùng có tỉ lệ bà con nông dân sử dụng thuốc sinh học trong sản xuất nông nghiệp cao.

 
Tại nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau màu ở khu vực ngoài bãi đê sông Hồng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, từ nhiều năm nay, người dân tuyệt đối không còn sử dụng thuốc trừ cỏ.

 
Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, nhờ chính quyền quan tâm, bà con nông dân trên địa bàn thường xuyên được tập huấn về các kỹ thuật như: Xử lý đất; thời vụ xuống giống; các loại bẫy, bả sâu bệnh hại an toàn… Nhờ đó, việc sử dụng thuốc BVTV trên cây rau màu trong toàn quận đã giảm mạnh; tỉ lệ sử dụng thuốc sinh học của bà con nông dân đạt tới trên 70%.

 
Đến nay, toàn thành phố có trên 5.000 ha diện tích canh tác rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; trong đó, rau hữu cơ có trên 50 ha. Nhờ bà con nông dân tích cực chuyển đổi phương thức canh tác sang hướng hữu cơ, an toàn đã giúp giảm bớt các chi phí về giống, thuốc BVTV, nước tưới…; đồng thời, giúp tăng năng suất và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Có được những kết quả trên trước hết là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền thành phố. Cùng với đó là sự đồng lòng, quyết liệt hành động và bắt tay vào cuộc bằng hàng loạt những biện pháp tích cực, kiên trì vận động, thuyết phục bà con nông dân của các cấp, các ngành.

 
Theo đó, các ngành chức năng trên địa bàn đã phối hợp tổ chức 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân, trong đó có 1.641 lớp học về rau màu. Đồng thời, tổ chức 953 lớp nghiên cứu về canh tác, không sử dụng thuốc BVTV mà áp dụng kỹ thuật che phủ bằng ni lông, bẫy chua ngọt, flykill, ngâm nước ruộng, bón khô dầu đậu tương... Tổ chức 205 lớp mô hình SRI (từ 4 – 50 ha) với diện tích 4.272 ha; trong đó, diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI trên lúa đạt tới 60%...

 
Ngoài ra, để nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho bà con nông dân, hàng loạt các biện pháp tuyên truyền, vận động được tổ chức một cách linh hoạt, phong phú như: Phát tờ rơi hướng dẫn; phát đĩa CD, VCD hướng dẫn; tổ chức hội nghị đầu bờ; nêu gương điển hình tuyên truyền trên báo chí, truyền thanh, truyền hình…

 
Mặt khác, nhờ có thế mạnh của hệ thống tổ chức BVTV đồng bộ từ thành phố cho đến xã với gần 600 người (đa số đều có trình độ Đại học), Chi cục BVTV thành phố đã kịp thời chỉ đạo hệ thống BVTV dự tính, dự báo chính xác; phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.

 
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên ngành của thành phố. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch; kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm… Từ đó, làm lành mạnh hóa thị trường buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn.

 
Thời gian tới, ngành chức năng của thành phố tập trung hướng tới các giải pháp an toàn sinh học, quản lý dịch bệnh tổng hợp, chăm sóc đồng ruộng… Đây đều là những nhóm giải pháp căn cơ, cần phải được ưu tiên triển khai thực hiện để nhằm hướng tới một nền nông nghiệp an toàn cho sức khoẻ của cả cộng đồng. Chính quyền và ngành chức năng của thành phố sẽ mở rộng và phát triển mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín trên tất cả các loại cây trồng.


 

Thanh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn