Lâm Đồng: Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
16:35 - 08/06/2020
(MTNT)- Hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Hội vận động hội viên, nông dân sửa chữa và làm mới đường giao thông nông thôn


Cụ thể, tình trạng phá rừng làm nương rẫy còn diễn biến phức tạp; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp, giá thành sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp. Một vấn đề bức xúc nữa là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn khá cao do di dân tự do của một bộ phận dân tộc thiểu số phía Bắc, gây ra nạn phá rừng lấy đất canh tác, mua bán đất đai và nhiều vấn đề bức xúc về môi trường sống.
 
 
Bên cạnh đó, người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại…). Sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm, đổ thuốc thừa bừa bãi.
 
 
Đa số các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng chăn thả gia súc gia cầm mà không có biện pháp nuôi nhốt đảm bảo hợp vệ sinh; người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh và chưa được thu gom đúng quy định.
 
 
Trước thực trạng trên, Hội ND tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với nội dung, hình thức phù hợp nhằm vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
 
Hội ND tỉnh tổ chức các đợt truyên truyền miệng tới các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số; tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, áp phích; thông qua bản tin Nông dân Lâm Đồng phát hành 2.100 cuốn và phát miễn phí đến từng chi, tổ Hội; qua hệ thống loa truyền thanh… với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”.
 
 
Để duy trì và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn hiệu quả, hàng năm Hội ND tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường; Sở NN&PTNT; Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội NDVN tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân; vận động đông đảo hội viên, nông dân tham gia các buổi Lễ mít tinh phát động Ngày môi trường thế giới, Ngày làm cho thế giới sạch hơn, Ngày nước thế giới… từ đó tạo sự chuyển biến tích cực cho người dân nâng cao nhận thức trong việc phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
 
 
Hội vận động hội viên, nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động, sửa chữa và làm mới đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, sửa chữa cầu cống, xây dựng mới các nhà văn hóa... Thông qua nhiều hình thức phong phú và bằng các hoạt động cụ thể, các cấp Hội đã tổ chức phát động, nhân rộng các mô hình: Con đường xanh, sạch, đẹp; thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư; trồng cây xanh; bóng mát đường quê; tuyến đường không rác…
 
 
Các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ, câu lạc bộ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường tại các địa phương. Hiện hầu hết các cánh đồng, trang trại, nương rẫy của người dân trên địa bàn tỉnh đã bố trí bể chứa tập trung.
 
 
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức trên 420 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 37 ngàn lượt hội viên, nông dân.
 
 
Thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, Hội phối hợp với ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT và các nguồn quỹ tín dụng khác có lãi suất ưu đãi để tín chấp, tạo điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội giúp nông dân mua 5.000 tấn các loại phân bón trả chậm mỗi năm để phục vụ sản xuất.
 
 
Hội còn vận động nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ kinh nghiệm, vốn, vật tư nông nghiệp, giống cây, con cho hội viên, nông dân đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất - kinh doanh, giúp nông dân là dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy.
 
 
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới Hội tiếp tục khai thác các nguồn lực để đầu tư, xây dựng nhiều hơn nữa các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào dân tộc; gắn du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn phù hợp với đặc thù, truyền thống từng vùng dân tộc thiểu số.

Phạm Thắng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn