Hội Nông dân Việt Nam: Tăng cường giám sát bảo vệ môi trường
16:00 - 26/04/2019
(MTNT) – Thời gian qua, T.Ư Hội NDVN luôn xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội và phong trào nông dân cả nước. Theo đó, Ban Thường vụ T.Ư Hội đã tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tích cực gắn hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình công tác hàng năm; đồng thời, chủ động đẩy mạnh việc triển khai các phong trào nông dân, tạo không khí thi đua sôi nổi, hiệu quả ở khắp các địa phương.

Thông qua những buổi tập huấn, phổ biến về công tác bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm trang bị thêm kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp


 
Từ nhiều năm qua, các cấp Hội tích cực phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn quan trọng như: Hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn”; diễn đàn nông nghiệp “Nông dân Tiền Giang thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia tái cấu trúc ngành nông nghiệp”...

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức nhiều chương trình truyền thông mang tính cộng đồng như: “Nông dân Việt Nam với biến đổi khí hậu”, “Nông nghiệp xanh – Nông sản sạch”… đã giúp bà con nông dân nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung hiểu thêm về những nguyên nhân, tác hại và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế các tác hại của nó. Ngoài ra, Hội còn triển khai xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật và biện pháp thâm canh lúa cải tiến như: “1 phải 5 giảm”; “3 giảm 3 tăng”; luân canh trồng lúa và thủy sản, lúa và hoa màu… đã giúp hội viên, nông dân không chỉ biết chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn dần dần thay đổi tư duy trong canh tác, khai thác môi trường một cách bền vững, hiệu quả.

 
Bên cạnh đó, T.Ư Hội NDVN cũng ban hành Nghị quyết số 20 về nâng cao trách nhiệm của Hội ND các cấp trong việc tham gia bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, các cấp Hội xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp với các Sở Tài nguyên & Môi trường cùng cấp.

 
Đến nay, đã có 63/63 Hội ND các tỉnh, thành phố ký kết xong chương trình phối hợp với các Sở Tài nguyên & Môi trường (đạt 100%). Trong đó, nhiều địa phương nhờ chủ động quy định rõ về trách nhiệm của từng ngành cùng với sự tích cực, sáng tạo trong xây dựng các nội dung hoạt động cụ thể, phù hợp nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 
Bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được các cấp Hội chú trọng. Kết quả, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trên 300.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 20 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, đã tích cực phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường, Luật đất đai cho hội viên, nông dân, giúp người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình.

 
Song song với đó, để thu hút thêm sự quan tâm của cộng đồng, nhiều tỉnh, thành Hội đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường trở thành những chủ đề chính trong Hội thi “Nhà nông đua tài” ở các cấp, tạo không khí thi đua sôi nổi, hào hứng. Đồng thời, đã có 205 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai”, “Nông dân với biến đổi khí hậu” được Hội ND các tỉnh, thành phố sáng tạo tổ chức theo hình thức sân khấu hóa với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với bản sắc văn hóa từng địa phương đã thu hút được sự quan tâm của chính quyền các địa phương.

 
Đáng chú ý, T.Ư Hội đã phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc chỉ đạo Hội ND phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thành công hơn 400 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới… Qua đó, thu hút hàng vạn lượt cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia, hưởng ứng. Ngoài ra, các cấp Hội còn phát động các phong trào như: Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; trồng mới cây xanh; “Chương trình Ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Nói không với túi ni lông”… cũng đã tạo được sức lan tỏa có ý nghĩa trong cộng đồng dân cư.

 
Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, T.Ư Hội NDVN đã chủ động phối hợp với Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài nguyên & Môi trường tham gia các đoàn giám sát, phản biện thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Hội chủ động tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên, nông dân; tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường để kịp thời nắm bắt và phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân đối với các vấn đề ô nhiễm môi trường.

 
Ngay khi xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần TNHH Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh, T.Ư Hội đã chỉ đạo Hội ND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và tổ chức việc hỗ trợ tiền bồi thường thiệt hại giúp cho bà con sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, T.Ư Hội tổng hợp và gửi báo cáo cho Ban Dân vận Trung ương về tình hình ổn định đời sống, phát triển sản xuất của bà con nông dân cũng như vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội tại 5 tỉnh phía Bắc miền Trung bị thiệt hại.

 
T.Ư Hội NDVN tổ chức 01 đoàn giám sát liên ngành để giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại tỉnh Quảng Bình. Nhờ đó, đã phát hiện một số khó khăn, vướng mắc trong chính sách để nêu kiến nghị với Chính phủ, lãnh đạo địa phương kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

 
Được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành tài nguyên & môi trường các cấp, Hội ND nhiều tỉnh, thành phố cũng đã tích cực huy động cả nguồn lực nội tại cùng với vốn tín dụng ưu đãi để tập trung xây dựng thành công nhiều mô hình cụ thể về bảo vệ môi trường nông thôn như: Công trình vệ sinh, cấp nước sạch; thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn; sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; mô hình nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường biển…

 
Nhiều mô hình do Hội xây dựng, khi triển khai đã cho thấy tính hiệu quả, bền vững và hiện đang được các cấp Hội cùng chính quyền địa phương tiếp tục nhân rộng. Điển hình như: “Thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” ở xã Tứ Xã và thị trấn Lâm Thao thuộc huyện Lâm Thao- tỉnh Phú Thọ; “Cánh đồng không đốt rơm rạ” của thành phố Hà Nội; “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng” tại các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Long, An Giang …
 

Từ những kết quả nêu trên có thể thấy, thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội với các Bộ, ngành chức năng, công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở các địa phương trong cả nước đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, các mô hình linh hoạt; việc kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, các cấp Hội đã tích cực giải quyết kịp thời những bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường ngay khi vừa mới phát sinh; đồng thời góp phần quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.

 
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả hơn nữa để tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên, nông dân các cấp cùng tham gia quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

 
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ chủ động tham gia giám sát, phát hiện, đề xuất các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật; đề cao vai trò của tổ chức Hội trong tư vấn, phản biện đối với các cơ chế, chính sách luật pháp, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, liên vùng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; hướng hội viên, nông dân trở thành đối tượng đi đầu trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường.


 

Hà Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn