Tại Bình Định, do những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cộng với những lời “thêm mắm thêm muối” của những thương lái chuyên đi xe máy đến tận chuồng nói về dịch bệnh này, nhằm để người nuôi lung lạc rồi mặc sức ép giá. Những loại “tin vịt” này nhanh chóng được phát tán rộng rãi...
|
Lợn bị dịch bệnh không thể “lọt” vào lò giết mổ gia súc tập trung |
Trước thực tế này, Bình Định đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu là DTLCP không lây sang người, nhất là khi sử dụng thịt an toàn. Để công tác tuyên truyền được sâu rộng, cả hệ thống chính trị ở Bình Định đều vào cuộc.
Phản ứng thiếu hiểu biết
Những ngày gần đây, ngoài liên tục đi kiểm tra các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn DTLCP xâm nhập địa bàn, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, còn đi sâu về các vùng nông thôn để tìm hiểu tình hình tiêu thụ thịt. Một sự thật nhói lòng là đa số người dân nông thôn đã hiểu sai về DTLCP, nhất là cả tin vào những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội cho rằng dịch này lây sang người, do đó chẳng còn mấy ai dám ăn.
Thêm vào đó, những thương lái đi đến tận chuồng của các hộ dân cũng không ngớt “thêm mắm thêm muối” để ép giá. “Tin dữ đồn xa”, thế là người người quay lưng với thịt lợn. “Khảo sát những quán chuyên bán bún giò heo trên địa bàn thị xã An Nhơn, tôi thấy không còn quán nào hoạt động. Nhiều quán đã chuyển từ bán bún giò heo sang bán bún bò hoặc bún chả cá”, ông Hổ nói.
Anh Trần Ngọc Đông, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định), người có nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại chợ Lộc Giang thuộc xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), cho biết: “Lộc Giang là chợ vùng quê, thế nhưng trước đây mỗi ngày tại đây cũng mổ 3 - 4 con để bán cho người dân địa phương, nhưng gần 1 tháng nay mỗi ngày chỉ mổ 1 con, bởi người ăn thịt giảm đi trông thấy”.
Chị Lê Thị Hồng, 1 người chuyên bán thịt tại chợ Lớn Quy Nhơn, cũng xác nhận chưa bao giờ thấy ế ẩm như thời gian gần đây. Trước đây, mỗi ngày chị bán cả 2 tạ, nhưng hiện nay chỉ còn bán được 60kg. “Trước đây mỗi ngày em cân 2 con khoảng 2 tạ thịt, thịt nạc em bỏ cho các cơ sở làm chả và cân lại cho những người chuyên bán lẻ tại các chợ quê. Riêng giò heo mỗi ngày em bán cho các quán bún giò đến vài ba chục ký, chặt giò đến rũ tay. Thế mà bây giờ thì mỗi ngày em chỉ bán được 60kg, chủ yếu là thịt ba chỉ, nọng, mỡ, còn giò thì không còn quán nào lấy”, chị Hồng bộc bạch.
“Trong khi đó, các nhà khoa học khẳng định là DTLCP không hề lây sang người, nhất là khi sử dụng thịt an toàn. Thế nhưng đa số người dân hiện vẫn có những phản ứng bất hợp lý là quay lưng với thịt lợn. Điều này đang gây bất lợi lớn cho người chăn nuôi”, ông Phan Trọng Hổ lo lắng.
“Sao lạ kỳ vậy ta?"
Đó là câu nói mà chị Lê Thị Hồng thường xuyên nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện với tôi. Chị Hồng thắc mắc, hiện nay ở TP Quy Nhơn đã có cơ sở giết mổ gia súc tập trung của Cty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn đang hoạt động tại KV3 (phường Nhơn Bình) với công suất giết mổ 500 con mỗi ngày.
|
Thịt lợn an toàn được bày bán tại chợ Đầm, chợ vệ sinh an toàn thực phẩm tại Quy Nhơn (Bình Định) |
“Lợn bệnh, lợn dịch nhất định không thể “lọt” vào cơ sở này được, bởi ở đây kiểm dịch gia súc đưa vào mổ rất chặt chẽ. Toàn bộ lợn mổ để cung ứng cho người tiêu dùng ở Quy Nhơn và các địa phương lân cận đều phải được đưa vào cơ sở này để mổ. Do vậy, chắc chắn là thịt đưa ra bán ở các chợ là thịt sạch, vậy mà người tiêu dùng lại không dám ăn, sao kỳ vậy ta?”, chị Hồng thắc mắc đặt câu hỏi.
Theo chị Hồng, rất dễ để phân biệt thịt lợn bị dịch bệnh với thịt an toàn. Lợn không bị bệnh nhìn là biết ngay, miếng thịt trắng tinh, láng bóng, tươi; còn lợn bị bệnh miếng thịt có dấu lấm chấm, thịt nhìn có màu hồng, óng ánh, trông miếng thịt buồn buồn như con cá ươn.
“Hồi chưa có lò giết mổ tập trung, các lò mổ tư nhân còn dám mua lợn bệnh về mổ rồi bán giá rẻ. Giờ Nhà nước ưu tiên đưa vào lò mổ tập trung được miễn phí cả năm, chủ các lò mổ không phải tốn tiền thuê người mổ. Đã không tốn tiền lại rảnh tay rảnh chân ai dại gì không làm. Mà lợn đã đưa vào đây tuyệt đối không có bệnh. Chủ các lò mổ thường kể với em là thời gian gần đây họ không dám đưa lợn về nhà mổ như trước đây nữa, bởi ngành chức năng kiểm soát rất chặt chẽ, phát hiện ai mổ tại nhà là phạt “trắng máu”. Do vậy em bảo đảm thịt lợn đã ra thị trường hoàn toàn là an oàn, đã qua kiểm soát của ngành chức năng nên người tiêu dùng cứ an tâm mà ăn”, chị Hồng chia sẻ.
Trong những ngày lang thang các vùng nông thôn để tìm hiểu sức tiêu thụ thịt trong thời gian DTLCP đang “nóng hổi” tại nhiều địa phương miền Bắc, tôi nhận thấy nhiều người dân nhiều vùng quê Bình Định dù không tin thịt lợn bán ngoài chợ, nhưng không quay lưng. Họ nhắm 1 chuồng lợn nuôi an toàn, góp tiền lại mua 1 con rồi mổ chia nhau ăn. Ban đầu chỉ năm ba hộ làm như vậy, càng về sau càng nhân rộng kiểu này. Đây cũng là 1 kênh tiêu thụ thịt tích cực!
“Những ngày vừa qua, Sở NN-PTNT không ngừng cử cán bộ “lên sóng” Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định để giải thích với bà con là Bình Định chưa có DTLCP, dịch này không lây sang người, ăn thịt lợn nuôi an toàn càng yên tâm. Các huyện, thị xã, thành phố cũng tuyên truyền mạnh trên các đài truyền thanh địa phương, đồng thời vận động các hội đoàn thể đi tuyên truyền trực tiếp cho bà con hiểu thấu đáo về DTLCP. Đặc biệt, khi tuyên truyền nhằm ngăn chặn DTLCP lây lan trên địa bàn, ngành chức năng cũng phải giải thích cặn kẽ là dịch này không lây sang người và động viên người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt lợn”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTN Bình Định. |