Mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai tổ chức hội thảo “Bệnh dịch tả heo Châu Phi” với sự tham dự của đông đảo bà con nông dân, chủ trang trại vùng chăn nuôi heo lớn nhất nước…
|
Một trại nuôi heo tại thủ phủ heo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh minh họa) |
Nông dân Nguyễn Tiến Dũng (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Tôi có hơn 100 con heo thịt đang nuôi tại trang trại, khi nghe về dịch bệnh tả heo Châu Phi trên các phương tiện truyền thông và chưa có vacxin phòng chống nên rất lo lắng. Trước mắt, tôi chủ động phòng chống bằng cách trang bị quần áo bảo hộ, giày ủng, sát trùng xe ra vào trang trại và tập trung cho thức ăn tốt để đàn heo khỏe mạnh nhằm hạn chế bệnh nếu dịch xảy ra”.
Nông dân Nguyễn Đức Huân, chủ trang trại với đàn heo thịt gần 400 con và khoảng 50 con heo nái cho biết: “Tôi thường xuyên chích ngừa tất cả các dịch bệnh để bảo vệ đàn heo một cách tốt nhất. Nhưng dịch này lại không có vacxin, nếu bị bệnh thì heo sẽ chết 100% nên trước mắt tôi tập trung sát trùng chuồng trại, hạn chế đi ra ngoài, tăng dinh dưỡng bằng cách trộn các vitamin để heo có sức đề kháng thật tốt…”.
Trước những băn khoăn lo lắng của bà con nông dân, TS.BS thú y Đinh Xuân Phát (Bộ môn Công nghệ Sinh học - Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, để chủ động phòng tránh bệnh này, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật. Đó là, không mua heo từ nhiều nguồn mà mình không biết chất lượng, nguồn dịch bệnh có hay không. Thứ hai, cần tăng cường vệ sinh sát trùng. Thứ ba, phải ngăn chặn, tiêu diệt những đối tượng truyền bệnh như chuột, chim trời, ve mềm. Thứ tư, phải ngăn cản sự tiếp xúc của người nông dân đối với nguồn heo có khả năng nhiễm bệnh, người chăn nuôi không nên trực tiếp đi mua thịt heo, và nếu đi mua thì cần phải sát trùng trước và sau khi ra khỏi trang trại. Đối với các trang trại cần phải có hố sát trùng và phải nhúng chân trong hố sát trùng ít nhất 40 giây. Đối với xe vận chuyển đi từ ngoài về, trước khi vào trang trại đều phải sát trùng và sát trùng ở tất cả các vị trí trên xe, kể cả vị trí ngồi, chân ga, bánh xe, gầm xe. Đối với nguồn nước cũng phải sát trùng. Nên tạo các bể chứa và sử dụng Clo để diệt khuẩn, chờ Clo lắng đọng và bay hơi trong vòng 2 ngày thì cho heo uống.
Khi có dịch xảy ra, cần khoanh vùng dịch và tiến hành tiêu hủy. Tiêu hủy sẽ là biện pháp tốt nhất bởi con virus này có khả năng tồn tại trong xác chết hoặc trong thịt lâu ngày từ 6 tháng đến 5 năm. Nếu chôn heo bệnh, thì cần chôn sâu ít nhất 2m để tránh những con vật hoang đào bới lên sẽ phát tán mầm bệnh.
Đối với những trại chăn nuôi liên kết với các chi cục thú y hoặc phòng xét nghiệm thì việc kiểm soát bệnh là sử dụng các phương pháp mới để chẩn đoán sớm như PCR hoặc Elisa. Từ đó, trang trại có thể khoanh vùng dịch bệnh tránh tình trạng lây lan ra các trang trại xung quanh. Người chăn nuôi cần lưu ý virus này tồn tại lâu trong các con vật mang trùng; trong thịt đã được chế biến, giết mổ; cũng như tồn tại trong phân. Vì vậy, bất kỳ phương pháp nào giúp cho thịt heo đã chế biến hoặc chưa chế biến, đồ vật trong quá trình chăn nuôi, áo bảo hộ, từ trang trại này sang trang trại khác, theo xe vận chuyển… đều dẫn đến sự lây lan. Cần cẩn thận trong quá trình phòng chống bệnh và phải thông báo với chính quyền để phát hiện ra bệnh và tiêu hủy mầm bệnh sớm.