Làng nghề vốn được coi là bản sắc văn hóa, là điều kiện để gia tăng thu nhập cho nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội. Nhưng làng nghề được đánh giá là có lắm công, nhưng cũng nhiều tội, tại sao vậy?
Công
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Tính đến hết năm 2017, số làng nghề và làng có nghề toàn TP là 1.350, trong đó làng nghề được công nhận là 305.
|
Sản xuất ở một làng nghề |
Chủng loại làng nghề rất phong phú với 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng nghề làm mũ, nón lá; 83 làng nghề mây tre, giang đan; 20 làng nghề làm chế biến nông lâm sản; 29 làng nghề thêu ren; 25 làng nghề dệt may… Theo UBND các quận, huyện, TX, giá trị sản xuất của làng nghề năm 2017 đạt tới 20.000 tỷ đồng.
Tại các làng nghề, hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 195 hợp tác xã công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, 175.889 hộ sản xuất kinh doanh thu hút được tới 739.630 người lao động trên địa bàn.
Ngoài ra, các làng nghề còn thu hút hàng trăm nghìn lao động nơi khác đến làm việc. Sự phát triển làng nghề kéo theo dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, chuyên chở, kinh doanh hàng hoá, phục vụ ăn uống cho các làng nghề, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Các làng nghề đã có công rất lớn khi góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình đô thị hoá.
Thu nhập bình quân lao động của các làng nghề và làng nghề truyền thống ngày càng tăng. Các quận, huyện có thu nhập bình quân của lao động đạt cao như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông… đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Một số nghề có thu nhập cao (trên 70 triệu đồng/năm) như gốm sứ, dệt lụa, đồ gỗ gia dụng…
Đặc biệt, một số làng nghề có mức thu nhập của các lao động vượt hẳn so với mặt bằng chung, như làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, Tây Hồ đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng…
Nhìn chung, thu nhập bình quân của lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp cao hơn hẳn so với thu nhập bình quân của lao động thuần nông và cũng nhàn nhã hơn.
Tội
Do hình thành hoàn toàn tự phát, trong quá trình phát triển lại không được chú ý về quy hoạch nên đặc điểm chung của các làng nghề ở Hà Nội là xen kẽ với khu dân cư, chật hẹp và rất khó trong giải quyết ô nhiễm.
Hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng mà thường xả thẳng vào môi trường. Đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm làng nghề xã Tân Triều, huyện Thanh Trì và làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế và làng nghề dệt kim, bánh kẹo tại xã La Phù tại huyện Hoài Đức.
Nước thải ra đều có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần, thậm chí có điểm Coliform vượt hơn một trăm lần. Khi nước thải chảy xuống mương máng, sông ngòi gây ngộ độc cho cả hệ sinh thái của khu vực. Khi nước thải ngấm xuống đất khiến mước ngầm ở các khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hết nước thải, lại đến khí thải. Không khí ở một số làng nghề khi quan trắc có nồng độ bụi vượt 1,4- 6,7 lần giới hạn, nhiễm bụi kim loại nặng, nhiễm nhiều chất hữu cơ độc cao. Hết khí thải lại đến chất thải. Những “núi chất thải”, “đồi chất thải” là hình ảnh đập vào mắt ở nhiều làng nghề. Phần nhiều trong số chúng là các chất độc hại, đòi hỏi công nghệ xử lý đắt tiền.
Hết chất thải lại đến ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng-những khái niệm mới nhưng lại đem đến phiền hà cũ cho dân cư trực tiếp sản xuất ở các làng nghề cũng như các hộ lân cận.
Đặc biệt là những loại ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng kiểu này dường như là ở cuối danh sách quan tâm của các cơ quan quản lý làng nghề và chính quyền cơ sở bởi mối bận của họ chủ yếu là thu ngân sách trên địa bàn, là giải quyết công ăn việc làm cho lao động, là xuất khẩu hàng hóa đi các nước.
Theo các chuyên gia, Hà Nội ngoài việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiểu “bàn tay sắt” để bảo vệ môi trường làng nghề còn phải huy động nguồn lực xã hội hóa vào công tác xử lý ô nhiễm.
|