Tích cực xử lý các "điểm đen"
Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, năm 2017 vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở vi phạm môi trường trên địa bàn thành phố với tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng.
|
Công nhân vệ sinh môi trường thu dọn rác, vét bùn trên sông Tô Lịch (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng |
Công tác quy hoạch Thủ đô đã đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết ô nhiễm tại các dòng sông. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên khó khăn cho các hạng mục đầu tư, tiến độ thực hiện chưa như mong muốn” - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải nói tại buổi làm việc mới đây của thành phố. |
Theo ông Định, kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian qua cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở còn chưa thường xuyên và chưa nghiêm túc. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, còn tình trạng nước xả thải vượt mức quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường.
Cũng theo ông Định, trong việc rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể các “điểm đen” và các khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, các cơ quan đã tiến hành rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã. Kết quả có 187 “điểm đen”, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.
"Một số “điểm đen” như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch..., tất cả những “điểm đen” này đều đang được xem xét các giải pháp xử lý. Trong năm 2018, Sở sẽ rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các “điểm đen”, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này" - ông Định cho hay.
Ông Định cho biết thêm, trong việc xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, trong năm 2017, thành phố đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C với 86 hồ khu vực nội thành, 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 49 hồ và máy sục khí trên 30 hồ, nạo vét bùn 6 hồ (Giáp Bát, công viên Ngọc Lâm, cầu Tình, hồ Kim Liên lớn và nhỏ, hồ Trúc Bạch) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ.
Ông Định cũng thông tin thêm, hiện thành phố đang chuẩn bị đầu tư gần 100 trạm quan trắc theo hình thức xã hội hóa để thực hiện thống kê và đưa ra giải pháp xử lý về ô nhiễm môi trường nước, không khí cho thành phố.
Nhiều giải pháp "giải cứu" sông ô nhiễm
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang triển khai 2 dự án xử lý nước thải, dự kiến đầu năm 2021 sẽ hoàn thành.
Ngoài ra, thành phố đang thí điểm xây dựng nhà máy xử lý ô nhiễm cho 3 làng nghề tại huyện Hoài Đức, nhưng hiện vướng trong khâu xác định đơn giá định mức xử lý nước ô nhiễm, bởi mức độ ô nhiễm của mỗi làng nghề khác nhau. Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về nội dung này.
Về xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu sẽ có 5 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh và môi trường…
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực xử lý ô nhiễm không khí, được thể hiện qua chương trình 1 triệu cây xanh. Hiện Hà Nội đã trồng được 500.000 cây xanh, đạt 50% mục tiêu của chương trình. Từ nay đến 2020, Hà Nội vận động hộ dân tại các quận, huyện bỏ đốt than tổ ong để giảm ô nhiễm…
Theo ông Chung, hiện thành phố đã có dự án bằng vốn ODA của Nhật Bản tại Yên Xá với số vốn 16.000 tỷ đồng để xử lý được nước sông Tô Lịch. Khi hoàn thiện dự án này sẽ xử lý được 40% nước sông Tô Lịch.
“Ngoài ra, thành phố còn đang triển khai dự án BT để thu gom toàn bộ nước thải khu vực S3, các quận còn lại ở phía đầu sông Tô Lịch gồm quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ… quay ngược trở lại xử lý nhà máy nước thải Tây Hồ và bổ cập sông Tô Lịch. Dự kiến 2 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2020 - 2021" - ông Chung chia sẻ.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục cải tạo các con sông thoát khỏi ô nhiễm, ưu tiên những dự án cấp bách, quản lý chặt các nguồn xả thải tại sông, hồ… Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xem xét, rà soát ngân sách để thực hiện hiệu quả những vấn đề liên quan đến vệ sinh, môi trường.