Xử phạt 2 tỷ đồng đối với vi phạm hoạt động thủy sản
15:42 - 13/06/2018
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định, mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy - hải sản đối với tổ chức vi phạm lên đến 2 tỷ đồng.

Tạo khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính

Thực hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (sau đây viết tắt là Dự thảo Nghị định).

Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định.
 

Theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, mức xử phạt tối đa lên đến 2 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017 (số 18/2017/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
 

Luật Thủy sản năm 2017 đã đánh dấu một bước tiến mới để tạo khung pháp lý cho việc chuyển nghề cá Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật, tại Điều 105 của Luật Thủy sản năm 2017 đã sửa đổi mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản được quy định tại điểm d, khoản 1 cuả Điều 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
 

Ngày 23/10/2017, Ủy ban nghề cá Châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu với 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần triển khai thực hiện ngay. Một trong 9 khuyến nghị đó có khuyến nghị về việc Việt Nam cần có khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính cần phải được thực hiện ngay với các quy định về mức phạt tối đa để đảm bảo đối tượng vi phạm không còn khả năng để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
 

“Xuất phát từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là rất cần thiết”, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu rõ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phạt lên đến 2 tỷ đồng

Về mức phạt tiền, theo Dự thảo, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng.
 

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi nguồn lợi thủy hải sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.
 

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng.
 

Về nguyên tắc xác định mức vi phạm về chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản: được xác định bằng kết quả phân tích đã được tính giao động cho phép trong kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 

Về quan điểm soạn thảo Dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay, Dự thảo được soạn thảo kế thừa các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thủy sản đã được khẳng định tính phù hợp, sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm mới được quy định trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
 

Đồng thời, phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đối với yêu cầu chống khai thác thủy sản bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định./.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn