Giải pháp nuôi tôm hùm bền vững
09:06 - 18/04/2018
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Khánh Hòa vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Nuôi tôm hùm bền vững đạt hiệu quả cao tại các tỉnh miền Trung”.
Số lượng lồng bè nuôi tôm hùm tăng nhanh trong những năm gần đây

Hơn 100 người nuôi tôm hùm và các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản ở các tỉnh miền Trung đến tham dự và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chính sách quy hoạch nuôi tôm hùm, hỗ trợ thiệt hại thủy sản khi có thiên tai, cách phòng ngừa và hạn chế lây lan dịch bệnh trên diện rộng khi nuôi, các kỹ thuật nuôi bằng công nghệ mới...  
 

Hiện trạng

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tôm hùm phân bổ khá rộng nhưng được nuôi tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Năm 2017, sản lượng tôm hùm cả nước trên 1,5 ngàn tấn trong đó Phú Yên chiếm khoảng 500 tấn và Khánh Hòa gần 1 ngàn tấn, còn lại ở các tỉnh khác.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, những năm gần đây số lượng lồng nuôi được người dân phát triển nhanh dẫn đến mật độ lồng nuôi tôm ngày càng gia tăng, vị trí nuôi tôm hùm nằm chung với khu vực nuôi cá biển và các loài thủy sản khác, thậm chí một số điểm còn đang nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp.
 

Người nuôi chủ yếu dựa vào con giống khai thác từ tự nhiên, hoặc nhập khẩu từ Philippines và các nước khác, hoàn toàn không chủ động và khó kiểm soát chất lượng về con giống.

Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm hùm ở Việt Nam vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, thức ăn sử dụng chủ yếu là cá tạp, cua, sò dễ gây ô nhiễm môi trường. Do không chủ động nguồn thức ăn nhất là mùa mưa bão dễ gây bùng phát dịch bệnh nhất là các bệnh nguy hiểm như tôm sữa, đen mang, vi khuẩn…
 

Việc phát triển nuôi tôm hùm mau chóng cũng dẫn đến tình trạng sản lượng thấp, không ổn định về giá cả. Thị trường cho tôm hùm cũng là thách thức lớn cho phát triển bền vững. Hiện chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm. Việc thu mua chủ yếu thông qua thương lái thu gom, thị trường xuất khẩu chính ngạch chưa có mà chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2015 tại Quảng Ngãi và Khánh Hòa có gần 3,5 ngàn lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Năm 2016 số lồng nuôi thiệt hại lên đến gần 7 ngàn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 15 ngàn lồng nuôi tôm hùm tại Phú Yên bị thiệt hại với các bệnh thường gặp như bệnh sữa, bệnh đỏ thân và đen mang, trong đó bệnh sữa xuất hiện nhiều nhất và gây thiệt hại lớn...  
 

Giải pháp

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nghề nuôi tôm hùm mặc dù đưa lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước nhiều thách thức về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Theo ông Tiêu, để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, quan trọng nhất là phải quy hoạch vùng nuôi và quản lý chặt chẽ quy trình nuôi an toàn, hướng tới việc truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu chính ngạch tôm hùm.
 

Các địa phương phải căn cứ vào quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT, tổ chức cho thuê mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo cho người nuôi tuân thủ quy định pháp luật.

Khi Luật Thuỷ sản có hiệu lực từ đầu năm 2019, các ngành chức năng sẽ bắt đầu xử lý người nuôi tôm hùm trên biển không tuân thủ quy hoạch các vùng nuôi an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường biển và du lịch.
 

Ngoài ra, các cơ quan thủy sản địa phương phải theo liên tục dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của tôm tại các vùng nuôi tập trung, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng cho tôm, quản lý chặt chẽ nguồn chất thải, bảo vệ chung môi trường tại các vùng nuôi…

Ông Tiêu cho biết thêm, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi, cách chọn giống, liên kết thị trường và tổ chức sản xuất… để góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn