Thảm họa... lục bình ở ĐBSCL
Nghe ra, cây lục bình nhỏ bé, lơ thơ vốn quen thuộc với người dân vùng sông nước ĐBSCL, không đáng để ý. Nhưng thực tế, lục bình đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Cùng với gây cản trở giao thông đường thủy thì với lượng lớn lục bình phủ kín trên mặt sông, kênh, rạch... sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ ôxy trong nước, dẫn đến giảm sản lượng cá.
|
Lục bình trôi dày đặc phủ kín nhiều mặt sông, kênh rạch gây ra nhiều khó khăn |
Nhiều tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu), lục bình xuất hiện dày đặc, gây ảnh hưởng đến các phương tiện đường thủy lưu thông; nhất là thời điểm hiện nay người dân đang bước vào thu hoạch lúa ĐX, thương lái đến thu mua lúa, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Theo thương lái mua lúa, khi ghe chở lúa khẳm đầy, lại gặp lục bình day đặc thì chạy ghe rất tốn xăng dầu. Thêm vào đó, nhiều hộ dân sống hai bên kênh rạch xây cầu, cắm trụ cản trở sự di chuyển của lục bình. Cá biệt, có nhiều hộ dân tự khoanh vùng rồi cắm nhánh cây làm bẫy để đánh cá, vô tình những cái bẫy đã tạo điều kiện thuận lợi cho lục bình phát triển xanh tốt, ngày càng dày đặc.
Theo người dân, lục bình bắt đầu xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch từ trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính khiến lục bình sinh sôi nảy nở nhanh, mạnh như hiện nay là do lục bình từ các con sông lớn trôi vào, dòng sông quá cạn, dòng chảy yếu nên lục bình chỉ vào đây nhưng không trôi ra theo dòng nước được. Cuối cùng, lục bình tụ lại càng dày.
Tại ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, con kênh nối liền hai huyện Phước Long và huyện Vĩnh Lợi bị lục bình phủ kín toàn bộ mặt kênh, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng thuyền, xuồng…Anh Dương Tấn Kịch 55 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Hưng Phú (Phước Long), là người dân sống ở đây lâu năm cho biết, hiện gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác chuẩn bị thu hoạch lúa, nhưng do lục bình quá dày, thương lái không theo đường thủy vào thu mua lúa được. Cũng nhân đấy, thương lái càng có cớ ép giá lúa xuống thấp.
Khi được hỏi về cách khắc phục vấn nạn lục bình, ông Kịch nói: “Việc khắc phục thực ra không khó, chỉ cần mỗi hộ dân bỏ ra vài giờ để vớt sạch lục bình trên phần sông, rạch trước nhà mình, vừa làm thông thoáng cho sông, rạch vừa lấy xác lục bình ủ phân bón cho cây mang lại nhiều lợi ích nhưng chưa thấy ai đứng ra làm. Thời gian đầu tôi cũng vớt lục bình, vớt được một lúc thì lục bình lại trôi về, làm không xuể, bất lực nên tôi cũng bỏ luôn, không vớt nữa”.
Theo thương lái thu mua lúa Trương Văn Hà 51 tuổi ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, bình thường trên nhiều tuyến sông, rạch, các phương tiện đi lại thông suốt nhưng mấy tháng nay, do lục bình dày đặc nên khó đưa phương tiện vào thu mua lúa của người dân. Nhiều lúc lúa hạ giá cộng với lục bình gây cản trở giao thông nên thương lái bỏ cọc, không thu mua lúa nữa.
Cùng với việc gây cản trở giao thông đường thủy thì với lượng lớn lục bình phủ kín trên mặt sông, kênh, rạch như vậy sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ ôxy trong nước, dẫn đến giảm sản lượng cá và các loại thủy sinh. Hầu như mặt kênh, rạch nào cũng phủ kín lục bình, tôm cá không còn không gian để sinh tồn, dần dần sản lượng thủy sản giảm đi trông thấy.
Ngoài ra, lục bình còn cản trở dòng chảy, vì thế rác thải cũng tích tụ lại. Nhiều đoạn kênh rạch bị ô nhiễm, nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch không thể sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Hoàng Ân, Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết, tình trạng lục bình dày đặc gây ùn tắc trên tuyến sông, rạch trên địa bàn xã xuất hiện nhiều năm nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Hàng năm, chính quyền vẫn phối hợp với lực lượng chức năng ra quân vớt, phun xịt diệt lục bình để tạo sự thông thoáng, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất của bà con. Thời gian tới, UBND xã sẽ vận động người dân sống trên tuyến sông, rạch vớt lục bình lên bờ. Những nơi lục bình dày đặc thì tiến hành phun thuốc nhằm diệt lục bình triệt để. |