Chớ làm nông nghiệp hữu cơ theo phong trào
09:15 - 14/03/2018
Cách đây khoảng 20 năm, vấn đề sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã được đề cập ở Việt Nam, song có lẽ do ít được quan tâm nên sau đó NNHC không được nhắc đến.

Cho đến những năm gần đây, nhất là trong năm 2017, NNHC đã trở thành một vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam.  
 

Hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ

Theo tôi hiểu NNHC là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn với ưu điểm vượt trội là thân thiện với môi trường.

Nhiều phương thức canh tác đảm bảo năng suất cao, không ảnh hưởng môi trường (Trong ảnh: Người dân Thái Nguyên trồng chè VietGAP)

Có ý kiến cho rằng phương thức canh tác NNHC chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... ) trong sản xuất nông nghiệp để cho sản phẩm sạch, an toàn. Cách hiểu này là không toàn diện vì không hiểu rõ những điều kiện gì để sản xuất NNHC ngoài yếu tố không sử dụng hóa chất, đồng thời có sự nhầm lẫn giữa phương thức sản xuất NNHC với phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; bởi vì trong các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch vẫn sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc BVTV...) với một liều lượng hợp lý (trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép) mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Sự ngộ nhận này xảy ra là do: An toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, của giống nòi. Thực trạng hiện nay về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở tình trạng báo động và là một thách thức lớn đối với đất nước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó có chủ trương sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Điều đáng tiếc xảy ra là có quan điểm coi NNHC gần như là cứu cánh để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra chủ trương đẩy mạnh sản xuất NNHC một cách không hợp lý.
 

Xin nêu một trường hợp cụ thể làm NNHC như sau: Báo Hà Nội mới số ra ngày 19/5/2017 có bài “Sản xuất lúa hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng”, có đoạn viết: “Ông Hoàng Tiến Khanh, xã Kim Đường, nói rằng: Gia đình tôi gieo cấy hơn 2 ha lúa nhưng chỉ được hướng dẫn cách sản xuất sạch theo tiêu chí, cụ thể là “nói không với thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chất hóa học khác”. Như vậy, ông Khanh đã có sự nhầm lẫn giữa NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch và không biết rằng sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt như:

- Đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép.

- Đất canh tác chưa kinh qua sử dụng phân hóa học, nếu đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là sau 3 năm không bón phân khoáng và sử dụng hóa chất BVTV và bảo quản thì sản phẩm mới được chính thức mang tên sản phẩm hữu cơ.

- Khu vực canh tác hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập ô nhiễm không khí do sử dụng hóa chất BVTV và các nguồn hóa chất khác ở các vùng lân cận.  
 

Phân loại loại hình sản xuất nông nghiệp

Tôi cho rằng cách phân loại loại hình sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay thành nông nghiệp hữu cơ và phi hữu cơ là không chuẩn xác. Nước ta hiện nay không có loại hình sản xuất nông nghiệp nào là phi hữu cơ, bởi lẽ tất cả các quy trình canh tác sản xuất nông nghiệp của Bộ NN-PTNT trước đây và hiện nay đều có sử dụng phân hữu cơ (thường là bón lót khi làm đất).

Phương thức canh tác hữu cơ cho năng suất cao hay thấp? Chọn phương thức canh tác nào?

Có ý kiến cho rằng NNHC cho năng suất cao và sản phẩm sạch; phát triển nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
 

Thực tiễn sản xuất trên thế giới và trong nước cho thấy: Năng suất của phương thức canh tác NNHC giảm trên dưới 30%. Điều này có căn cứ khoa học về sinh lý dinh dưỡng cây trồng như sau:

- Mỗi loại cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau về khối lượng và tỷ lệ các thành phần N, P, K. Thí dụ: Cây mía với năng suất 60T/ha lấy đi từ đất và phân bón 96kg N, 37kg P2O5 và 115kg K2O. Cây chè với năng suất 5T búp/ha hàng năm cần bón 200kg N (N : P : K là 2 : 1 : 1)/ha trên nền 30T phân hữu cơ/ha (2 - 3 năm bón một lần).

Hãy tính hàm lượng NPK có trong 1 tấn phân hữu cơ rồi cộng với hàm lượng NPK có trong đất, sau đó đem so sánh với nhu cầu dinh dưỡng NPK/1 tấn sản phẩm cây trồng thì sẽ thấy một sự chênh lệch/thiếu hụt rất lớn. Bổ sung lượng NPK ấy bằng phân hữu cơ là không khả thi vì sẽ cần một khối lượng phân bón rất lớn do hàm lượng NPK trong phân hữu cơ thấp, trong thực tiễn sản xuất không thể đáp ứng được. Hơn nữa, như trên đã nói: mỗi loại cây trồng có yêu cầu tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng NPK khác nhau, trong khi đó tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng này có trong đất hoặc phân hữu cơ không thể đáp ứng được đúng nhu cầu của các loại cây trồng.
 

- Mặt khác, cây trồng hút các chất dinh dưỡng theo các giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực khác nhau. Chính vì vậy trong kỹ thuật bón phân cho cây trồng có bón lót (phân hữu cơ) và bón thúc (phân khoáng). Trong kỹ thuật bón thúc, tùy theo loại cây trồng chỉ bón một lần hoặc nhiều lần theo giai đoạn sinh trưởng, sinh thực của cây. Trong khi đó phân hữu cơ có hàm lượng các yếu tố đa lượng N, P, K thấp và được phân giải từ từ nên không đáp ứng được yêu cầu về khối lượng các yếu tố dinh dưỡng theo nhu cầu các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng và tỷ lệ NPK trong phân hữu cơ không thể phù hợp với tỷ lệ NPK mà cây trồng có nhu cầu.

Đó là 2 nguyên nhân làm cho phương thức sản xuất NNHC giảm năng suất trên dưới 30%.

Và cũng chính do năng suất cây trồng giảm sút như vậy, cộng với các chi phí khác gia tăng nên giá thành của sản phẩm hữu tăng lên vào khoảng 2 - 3 lần dẫn đến giá bán tăng lên gấp 3 - 4 lần hoặc hơn nữa.
 

Câu hỏi đặt ra là: Trong điều kiện đất hẹp người đông, trong khi dân số tăng lên bình quân hàng năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 1,05%. Để phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực chúng ta chọn phương thức canh tác cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến môi trường (sản xuất nông nghiệp sạch, VietGAP, EuroGAP, GlobalGAP) hay chọn phương thức canh tác NNHC năng suất cây trồng giảm đi trên dưới 30%? Tôi tán thành quan điểm phương thức sản xuất NNHC chỉ là phân khúc trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và theo yêu cầu của thị trường. NNHC không có vị trí trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia.
 

Vào khoảng năm 1999, Bộ NN-PTNT học tập kinh nghiệm TQ phát động phong trào làm nông nghiệp công nghệ cao. Bộ giao cho mỗi viện nghiên cứu 30 triệu đồng thực hiện một đề tài công nghệ cao thuộc lĩnh vực nghiên cứu của viện. Khi thẩm định thuyết minh đề tài thì Hội đồng khoa học cho rằng thực chất của đề tài chỉ là tổng hợp các biện pháp thâm canh. Hỏi công nghệ cao là gì thì được giải thích: Công nghệ cao là công nghệ cao hơn bình thường 10 - 15%? Chúng ta đã làm nông nghiệp theo phong trào như thế đó!

Nước ta là một nước đang phát triển và là nước có thu nhập trung bình. Bình quân thu nhập theo đầu người của VN còn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khối ASEAN và kém xa nhiều chục lần so với các nước phát triển. Sản phẩm của phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn do Bộ NN-PTNT quy định hiện đang triển khai rộng rãi ở khắp các địa phương trong cả nước, tuy có giá bán cao hơn một chút, nhưng với đồng lương và thu nhập hiện tại của người lao động vẫn có thể chấp nhận được. Trong khi đó sản phẩm của phương thức canh tác NNHC có giá bán cao hơn giá thị trường 3 - 4 lần hoặc nhiều hơn thì chắc chắn rằng không phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân.  
 

Đôi điều kiến nghị

Nông nghiệp hữu cơ chỉ là phân khúc trong nông nghiệp chất lượng cao, và theo yêu cầu của thị trường. Không nên coi chỉ có sản phẩm NNHC mới là an toàn và sạch.

NNHC là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Ưu điểm vượt trội của phương thức canh tác này là thân thiện với môi trường. Song sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt. Mặt khác sản phẩm của NNHC có giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn do các phương thức sản xuất khác đang triển khai, cho nên tôi ủng hộ chủ trương làm NNHC với kiến nghị:

Chỉ làm NNHC theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc của các siêu thị/doanh nghiệp trong nước để tránh làm sản xuất theo phong trào, đến khi sản phẩm hữu cơ làm ra không có nơi tiêu thụ thì sẽ gây thiệt hại cho nông dân. Riêng đối với loại cây dược liệu, dù bất cứ giá nào cũng phải sử dụng phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ.
 

Cơ chế quản lý ở Việt Nam hiện nay, khó nhất là làm sao chứng minh được với người tiêu dùng đâu là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ?

Để tránh sự ngộ nhận giữa 2 phương thức sản xuất NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đồng thời muốn thực sự làm NNHC, doanh nghiệp và người tham gia sản xuất NNHC phải có hiểu biết về NNHC. Vùng sản xuất NNHC phải được quy hoạch, phải công khai làm NNHC theo quy chuẩn nào và phải có cơ quan giám sát có uy tín và cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Một điều tôi băn khoăn là: NNHC chỉ là một phân khúc trong sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, cho sản phẩm sạch, an toàn. Đối tượng phục vụ chỉ là số nhỏ người kỹ tính, người giàu ở nước ngoài và trong nước, mà được Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT soạn thảo hẳn một Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó với các phương thức sản xuất nông nghiệp cho sản phẩm sạch, an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường với đối tượng phục vụ đông đảo là toàn dân hiện đang có trong sản xuất, còn nhiều khúc mắc chưa được giải quyết để mở rộng thì chúng ta chưa có một Nghị định nào, chỉ mới tuyên truyền mà thôi. Đó là điều đáng tiếc.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn