Thành triệu phú nhờ trồng rau an toàn
Đến vùng bãi ven sông Hồng thuộc địa phận thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh trù phú của những ruộng rau. Từng là hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở thôn Đông Cao, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ trồng rau an toàn, đời sống của hộ ông Nguyễn Văn Tiến đã trở nên khấm khá hơn…
|
Nhờ liên kết trồng rau an toàn, nhiều xã viên trong HTX Đông Cao đã có thu nhập khá. Ảnh: Quang Thiện |
Toàn xã có gần 400 hộ tham gia trồng rau an toàn với tổng diện tích khoảng 134ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao. Nhờ cây rau, đời sống của một bộ phận người nông dân địa phương đã được cải thiện đáng kể”.
Ông Đàm Văn Thìn -
Phó Chủ tịch UBND
xã Tráng Việt
|
Ông Tiến bộc bạch: “Gia đình tôi có 1 mẫu rau an toàn, chủ yếu trồng cải củ. Tham gia vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, bình quân mỗi năm, tôi thu được 300 - 400 triệu đồng từ trồng rau”.
Cách đó không xa, khu ruộng rau gần 1 mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Toan, xóm 4, thôn Đông Cao với những ống dẫn nước được dựng ngay trên luống đang phun những tia nước trắng xóa xuống các luống rau non mới trồng. Anh Toan cho biết, mỗi năm, anh trồng 4 vụ cải củ, thu nhập đạt 20 – 30 triệu đồng/sào.
Liên kết xây dựng thương hiệu rau Tráng Việt
Thời điểm trước năm 2010, người trồng rau Tráng Việt còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội về tập huấn kỹ thuật và UBND huyện Mê Linh cũng dành nguồn kinh phí để thí điểm mô hình sản xuất RAT. Đến nay, quy trình canh tác của người dân đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Phần lớn các hộ trồng rau đã áp dụng quy trình sản xuất RAT. Đặc biệt, gần đây, nhiều hộ chuyển sang sản xuất rau hữu cơ. Ngoài ra, xã còn tổ chức mô hình các tổ, nhóm hộ cùng giúp đỡ và giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất.
Ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết: “Năm 2016 HTX được Chi cục BVTV hỗ trợ thành lập 15 tổ PGS (tự giám sát lẫn nhau), mỗi tổ 25 - 30 xã viên. Theo đó có sự tham gia giám sát của người sản xuất, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Các hộ nông dân thường xuyên giám sát chéo lẫn nhau nên về kỹ thuật, quá trình sản xuất đảm bảo an toàn”. Cũng theo ông Kỳ, trước đây các hộ nông dân điều phải dùng máy chạy xăng để bơm nước lên ruộng, tốn nhiều công sức lao động, chi phí cao mà lượng nước phân bố không đều.
Từ đó, HTX cùng một số xã viên đã nghiên cứu, học hỏi mô hình tưới tiêu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và áp dụng trên diện rộng tại địa phương. Theo đó, ở xã Tráng Việt, hệ thống tưới này được làm bằng các ống nhựa, trên cùng là các đầu phun sương cỡ lớn có thể điều chỉnh. Chi phí đầu tư khoảng 1,3 triệu đồng/sào (sào Bắc Bộ) cho hệ thống này.
“Mô hình này giúp một người trung bình trong ngày có thể tưới được 2 mẫu ruộng (mẫu Bắc Bộ) thời gian bơm nước giảm và độ đồng đều rất cao. Từ khi lắp dàn tưới mới, sản lượng, chất lượng rau của HTX tăng lên rõ rệt” - ông Kỳ nói.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Vũ Văn Kỳ, việc HTX được Sở NNPTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu và website quảng bá nhãn hàng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Hiện, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã liên kết với Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn cho các thành viên HTX.