Báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ phá rừng táo tợn nhất Bình Định
09:19 - 09/11/2017
Ngày 27/10 vừa qua, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản số 5830/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả xử lý vụ phá rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão.

Cụ thể, cuối tháng 8/2017, trong khi đi kiểm tra rừng, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn (Bình Định) phát hiện tại khu rừng giáp ranh thuộc khoảnh 7 và khoảnh 8 thuộc tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) có nhiều diện tích rừng tự nhiên bị phá trọc.

Hiện trường vụ phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định)

Thông tin này liền được tổ công tác báo cáo về lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, sau đó được cấp báo ngay cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Trên cơ sở tin báo, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức kiểm tra thì phát hiện tại địa điểm nói trên có hàng chục ha rừng đã bị phá trụi.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền huyện An Lão tổ chức mật phục để phát hiện đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, sau khi “bị động”, những kẻ liên quan đến vụ phá rừng liền lui vào “bóng tối”, công cuộc mật phục bất thành.

Ngày 9/9, tỉnh Bình Định thành lập đoàn công tác liên ngành gồm ngành nông nghiệp, công an tỉnh; chính quyền 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn tổ chức kiểm tra hiện trường. Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp-nông thôn tỉnh giám định thiệt hại rừng.

Kết quả cho thấy có 60,9ha rừng tự nhiên tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 thuộc xã An Hưng (huyện An Lão) đã bị khai tử. Rừng bị thiệt hại là loại rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh trung bình, có chức năng phòng hộ và sản xuất, do UBND xã An Hưng (huyện An Lão) quản lý.

Xét thấy đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành chức năng đồng loạt vào cuộc truy cho ra đối tượng. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tại Nhà máy chế biến dăm gỗ Tường Sơn (thuộc Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo) ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) đang tàng trữ 28 ster dạng cây rừng đã cháy lem, 20,777m3 gỗ xẻ và 5,846m3 gỗ tròn các loại không có nguồn gốc hợp pháp.

Dấu hỏi to tướng về xuất xứ được đặt ra với số gỗ nói trên. Số gỗ này được ngành chức năng tạm giữ để giám định truy tìm nguồn gốc. Vụ việc được chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định (PC46) thu thập tài liệu, điều tra xác minh.

Kết quả cho thấy có 4 nhóm đối tượng là người dân của xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) tham gia vào vụ phá rừng nói trên, gồm: Nhóm của Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo do ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty phá 37,53ha rừng SX; nhóm Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu và Võ Dần ở thôn An Hội và thôn La Vuông, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) phá 18ha rừng phòng hộ; nhóm Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ ở thôn An Hội và thôn An Đỗ xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) phá 3,52ha rừng phòng hộ và SX; đối tượng Phan Dễ ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) phá 1,85ha rừng phòng hộ.

PC46 Công an Bình Định đã ra quyết định khởi tố 6 bị can: Lê Văn Thiệt, Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển và Nguyễn Cứ; trong đó bắt tạm giam 2 bị can Lê Văn Thiệt, Lê Hồng Đức, 4 bị can còn lại áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Vụ phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng đã khiến cho nhiều cán bộ kiểm lâm có trách nhiệm trực tiếp bị đình chỉ công tác, nhiều lãnh đạo 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn cùng nhiều cán bộ khác của 2 Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và Hoài Nhơn bị kiểm điểm trách nhiệm (NNVN đã phản ánh).

“Hiện nay, PC 46 thuộc Công an tỉnh vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi các cá nhân khác liên quan đến việc hủy hoại rừng để xử lý chung trong cùng vụ án. PC 46 Công an tỉnh đang khẩn trương điều tra để sớm đưa vụ án ra xét xử”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn