Trong năm nay, hàng loạt DN thủy sản đã bị các cơ quan quản lý kiểm tra và xử phạt các vi phạm về nước xả thải với số tiền phạt khá lớn.
Nguyên nhân chính là do những tiêu chuẩn hiện hành đối với nước xả thải trong chế biến thủy sản đang khiến cho các DN rất khó đáp ứng được. Đó là thông tin nổi bật trong hội thảo “QCVN nước thải chế biến thủy sản - nỗ lực tuân thủ của các nhà máy và các khó khăn, bất cập”, do VASEP tổ chức tại TP.HCM.
|
Chế biến tôm xuất khẩu |
Trong các DN đã bị xử phạt, có thể kể ra đây một số trường hợp điển hình như Cty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, bị phạt 750 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật 7 lần; Cty CP XNK thủy sản Năm Căn bị phạt 350 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật 5,1 lần; Cty Quốc Việt bị phạt 380 triệu đồng; Cty CP Minh Cường bị phạt 325 triệu đồng…
Điều đáng nói là nếu các cơ quan quản lý môi trường kiểm tra hết các DN thủy sản, danh sách bị xử phạt sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản hiện nay (QCVN 11:2015/BTNMT), tất cả các nhà máy thủy sản đều sẽ bị phạt nếu bị thanh tra, kiểm tra nước xả thải. Bởi ngay cả với các DN đã bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư hệ thống xử lý nước xả thải, vẫn không cho ra được nước xả thải đáp ứng mọi tiêu chuẩn của QCVN.
Minh chứng cho nhận định nói trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Minh Phú, cho biết, hệ thống xử lý nước thải của Minh Phú được đầu tư tới hơn 50 tỷ đồng, từng được Bộ TN-MT đánh giá là tốt nhất trong ngành thủy sản. Khi Minh Phú đầu tư xây dựng hệ thống này, không có xử lý Phospho (P), nhưng vẫn được Bộ TN-MT phê duyệt. Tuy nhiên, gần đây, các cơ quan quản lý môi trường lại kiểm tra cả chỉ tiêu P, khiến cho Minh Phú trở tay không kịp. Để đáp ứng chỉ tiêu P, Minh Phú đã phải thuê nhiều chuyên gia nghiên cứu tìm giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa có được giải pháp nào thích hợp.
Trong công văn gửi Bộ TN-MT ngày 5/10, VASEP cho hay, trong thực tế, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản đều có sử dụng phụ gia Phosphat trong qua trình sản xuất, nên lượng Phospho trong nước thải tăng lên, sau khi xử lý thường vượt cao hơn so với yêu cầu 20-30 mg/l. Vì thế, ở nhiều thời điểm hoặc tùy mặt hàng, các DN thủy sản không thể đáp ứng được quy định hiện hành về nước xả thải. Hiện nay, Việt Nam chưa có các công nghệ có tính khả thi và hiệu quả để xử lý chỉ tiêu Phospho trong nước thải của các sản phẩm đòi hỏi sử dụng nhiều Phosphat (ví dụ như sản phẩm XK sang Mỹ).
Cũng theo VASEP, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện không quy định chỉ tiêu Phospho trong nước thải công nghiệp. Do đó, quy định mức Phospho như hiện hành và trong Dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản, sẽ gây khó khăn cho DN thủy sản Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh so với hàng thủy sản của các nước nói trên. Thông tin từ ông Lê Văn Quang cho thấy, để xử lý được chỉ tiêu Phospho đúng theo quy định hiện nay, sẽ phải cộng thêm vào mỗi kg thành phẩm thủy sản khoảng 3.000 đồng. Riêng với Minh Phú, mỗi năm sản xuất khoảng 50.000 tấn thủy sản thành phẩm, đem nhân với 3.0000 đ/kg như trên, sẽ là một khoản chi phí rất lớn.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra đối với nước thải trong chế biến thủy sản là việc quy định các chỉ tiêu về Phospho (P), Nitơ (N) có cần thiết hay không? Cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn nào để đưa ra các quy định này?
Theo PGS.TS Phạm Hồng Nhật (Viện Nhiệt đới môi trường), N và P là các yếu tố giới hạn trong các hệ sinh thái thủy sinh. N có mặt rất phổ biến trong tự nhiên, kiểm soát khó, tốn kém, không khả thi; P kiểm soát dễ hơn, khả thi hơn. Nước thải thủy sản là nguồn thải công nghiệp chứa P quan trọng, cần kiểm soát. Tuy nhiên, việc áp dụng 1 tiêu chuẩn mới sẽ gây khó khăn cho DN có thể kéo dài đến 10 năm như đã từng xảy ra ở các nước Mỹ, Nhật Bản… Do đó, việc kiểm soát cần phải có 1 lộ trình được thông báo và thống nhất với các DN. Đồng thời Nhà nước có xử lý thí điểm và xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi cùng các chính sách khuyến khích DN xây dựng hệ thống xử lý được Phospho, và chỉ xử phạt sau khi đã có những bước như trên.
PGS.TS Lưu Đức Hải, PCT Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cho rằng, việc rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường trong sản xuất là cần thiết trong hoạt động bảo vệ môi trường; việc điều chỉnh, bổ sung các thông số mô trường vào QCVN cũng là cần thiết. Nhưng cần được lý giải về cơ sở khoa học và thực tiễn. Các nhà ban hành tiêu chuẩn cũng cần cân nhắc tới yếu tố kinh tế.
Theo TS Lê Xuân Sinh (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển), quy chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản về nước xả thải trong chế biến thủy sản không có sự thay đổi nào trong suốt 20 năm qua, do khi xây dựng quy chuẩn, người Nhật dựa trên những nghiên cứu và hệ sống kinh nghiệm cụ thể. Còn ở Việt Nam, trong vòng 9 năm qua đã 2 lần ban hành QCVN và đang có dự thảo để ban hành lần thứ 3 (QCVN 11:2017/BTNMT). Nguyên nhân là do các quy chuẩn đều chỉ dựa trên sự tham khảo từ quy chuẩn tương tự của các nước khác, rồi cộng trừ nhân chia…, mà không xuất phát từ những nghiên cứu khoa học và cơ sở từ thực tiễn sản xuất của ngành thủy sản.