Lào Cai: Xử lý nghiêm nhà máy gây ô nhiễm khiến người trồng dứa thiệt hại
(MTNT) - Những năm gần đây, xã Bản Lầu- huyện Mường Khương (Lào Cai) được mệnh danh là thủ phủ của cây dứa với gần 700 ha, mỗi năm đem lại nguồn thu lớn từ 40- 50 tỷ đồng. Có thể nói, cây dứa đã trở thành loại cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.
|
Dứa thối nhũn từ bên trong, người dân đành vứt bỏ vì không thể bán được |
Tuy nhiên, hiện tượng bất thường diễn ra khi hàng trăm ha dứa đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch lại bất ngờ bị thối quả, táp lá và chết một cách đầy bất thường. Vấn đề này đã và đang gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cùng những thiệt hại hết sức nặng nề đối với người trồng dứa.
Đứng thất thần bên đồi dứa với hơn 30.000 gốc sắp đến kỳ thu hoạch, bà Lục Thị Lan ở thôn Na Mạ cho biết: Gia đình bà đã phải vay ngân hàng cả trăm triệu đồng để đầu tư mua giống, phân bón… những mong vụ dứa bội thu, gia đình sẽ có thêm thu nhập. Thế nhưng, trước tình trạng dứa bỗng dưng thối rũ hàng loạt như hiện nay, thương lái thậm chí đã hủy luôn hợp đồng với gia đình bà mặc dù trước đó cũng tạm ứng được ít tiền cọc. Hiện cả gia đình bà Lan đang như ngồi trên lửa, lo đến mất ăn mất ngủ.
Cũng trong tình cảnh tương tự, đồi dứa của gia đình anh Dương Văn Ngân vốn trước giờ vẫn cho thu nhập đều đặn, khoảng trên dưới 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng có một tuần mà cây bỗng nhiên bị táp hết lá, quả dứa thì bị thối từ trong lõi. “Bao nhiêu công sức chăm bón cũng như tiền của bỏ ra đầu tư, giờ đành chịu mất trắng”- Anh Ngân than thở.
Hàng trăm hộ gia đình trồng dứa ở Bản Lầu đều đang có chung tâm trạng vô cùng hoang mang khi hơn 160 ha dứa của người dân đều bị một triệu chứng giống nhau là thối quả, táp lá. Trước thiệt hại và những phản ánh của bà con, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã cử đoàn công tác vào kiểm tra, lấy mẫu gửi đi phân tích để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Đại diện chính quyền nơi đây cũng cho biết, việc dứa chết không phải nguyên nhân do sâu bệnh hay phân bón; hơn nữa, tình trạng này diễn ra chỉ trong vòng có một tuần là điều hết sức bất thường. Theo ông Lê Ngọc Dương- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Nhà máy luyện kim màu của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh- là nghi vấn chính dẫn đến việc dứa bị chết hàng loạt, cũng sẽ được cho vận hành trở lại để kiểm tra các mẫu khí thải cả trước và sau khi hoạt động.
Kết quả cho thấy, ngay cả trong lúc nhà máy luyện kim tạm dừng hoạt động, đoàn liên ngành của tỉnh qua kiểm tra tổng thể cũng phát hiện một số dấu hiệu không đảm bảo về môi trường. Đặc biệt, khi nhà máy vận hành sản xuất sẽ sinh ra một lượng lớn khí SO2, SO3. Nếu như các khí này bị rò rỉ ra ngoài môi trường, khi gặp phải hơi nước trong không khí sẽ chuyển hóa thành H2SO4 và gây nên hiện tượng mưa acid, có tác động rất xấu đến cây trồng do gây héo, rụng lá và thối quả…
Mặt khác, theo quan sát, diện tích dứa và những cây cối bị ảnh hưởng có phạm vi khoanh vùng chỉ nằm quanh khu vực ống khói của nhà máy và trải dài từ đó thêm gần 3 km2 nữa theo hướng gió. Do đó, khả năng khí thải đã bị rò rỉ từ nhà máy là rất cao. Trên những quả dứa bị ảnh hưởng cũng đã phát hiện dứa bị cháy táp trên bề mặt trước, sau đó mới thối ra các mắt rồi ăn sâu vào bên trong.
Sau khi có kết luận của các chuyên gia, UBND tỉnh đã tổ chức buổi họp báo để công bố kết quả điều tra, xác minh về nguyên nhân gây nên tình trạng dứa chết héo và thối hỏng quả hàng loạt gây thiệt hại đối với bà con tại địa phương trong thời gian vừa qua. Đồng thời, chỉ ra đích danh tên đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc này chính là Nhà máy luyện kim màu của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh.
Kết quả cụ thể như sau: Hàm lượng Cu, Pb trong quả dứa ở mẫu số ba (gần nhà máy nhất, khoảng 300m) vượt tiêu chuẩn quá lớn (gấp 19 lần đối với Cu, trên 50 lần đối với Pb). Trên lá dứa, hàm lượng Cu ở mẫu số hai và số ba cao hơn 8- 9 lần mẫu số một. Hàm lượng Cu và Pb trên mẫu đất ở nơi trồng dứa cũng vượt ngưỡng hàng chục lần. Đặc biệt, dư lượng lưu huỳnh (S) có trong tất cả các mẫu dứa, chè và đất. Không phát hiện thấy dư lượng thuốc trừ cỏ trong mẫu quả dứa.
Như vậy, có thể khẳng định việc hàng chục ha dứa và cây nông nghiệp của người dân bị chết là do khí thải và nước thải của nhà máy luyện kim màu Lào Cai, thuộc Công ty cổ phần Tứ Đỉnh gây ra. Đánh giá về mức độ thiệt hại, cụ thể: Diện tích dứa là 11,8 ha; 41,9 ha chè, rau màu và các cây trồng khác… Tổng số diện tích gieo trồng bị thiệt hại là 53,7 ha.
Từ những sai phạm nêu trên, UBND tỉnh quyết định tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy này. Yêu cầu nhà máy phải có trách nhiệm trong việc thống nhất với Đoàn công tác, chính quyền địa phương cũng như người dân về diện tích, số lượng cây trồng cụ thể để lên phương án bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người dân.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan của dự án và hệ thống xử lý môi trường cần được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành. Phải triển khai sớm việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động theo đúng quy định, có kết nối với hệ thống của tỉnh… Trên cơ sở đó, tỉnh mới xem xét việc có cho phép công ty tiếp tục hoạt động sản xuất trở lại hay không.
Thông tin mới đây nhất, UBND tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại hoa màu bị thiệt hại do việc ảnh hưởng ô nhiễm từ nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh tại xã Bản Lầu. Theo đó, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ là 47,46 ha. Trong đó, dứa 17,48 ha, chè 10,37 ha, cao su 14,6 ha cùng một số diện tích chuối, mít và ruộng bị vùi lấp.
Tổng số tiền mà Công ty cổ phần Tứ Đỉnh phải chi trả, đền bù thiệt hại cho người dân là trên 2,6 tỷ đồng. Phương án đền bù với từng loại cây cụ thể như sau:
Đối với cây dứa, diện tích nếu đang cho thu hoạch mà bị thiệt hại thì giá trị đền bù được tính theo định mức: Diện tích bị thiệt hại nhân với năng suất bình quân (30 tấn/ha) nhân với giá tiêu thụ trung bình tại thời điểm (4.000 đồng/kg); đối với diện tích dứa mới trồng (từ 5- 7 tháng), giá trị đền bù được tính theo định mức quy định của UBND tỉnh và mức đầu tư thực tế tại địa phương (khoảng 50 triệu đồng/ha).
Cây chè: Đối với diện tích chè bị chết không còn khả năng phục hồi phải chặt bỏ, định mức bồi thường 12.700 đồng/m2. Đối với những diện tích bị thiệt hại 100% sản lượng của năm 2017, định mức hỗ trợ được tính theo giá trị sản lượng chè búp tươi thu hoạch trong một năm (8 tấn/ha), nhân với giá bán trung bình (6.500 đồng/kg).
Đối với một số loại cây khác: Cây mít được bồi thường theo định mức bằng sản lượng thu hoạch năm với giá 30.000 đồng/kg; cây chuối 15.000 đồng/cây; cây cao su có ciá trị bồi thường được tính theo hình thức hỗ trợ phân bón, công lao động chăm sóc để phục hồi diện tích bị thiệt hại, định mức bồi thường 10.000.000 đồng/ha; diện tích ruộng lúa nước bị vùi lấp được đền bù ở mức 33.000 đồng/m2.
UBND tỉnh cũng sẽ giao cho UBND huyện Mường Khương, Công ty cổ phần Tứ Đỉnh phối hợp cùng UBND xã Bản Lầu thực hiện ngay việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh có trách nhiệm giám sát tiến độ, kết quả của việc bồi thường; đồng thời, cử cán bộ tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác để sớm ổn định và tái đầu tư sản xuất.