(MTNT) - Túi polietylen (PE) hay còn gọi là “túi nilon” là loại vật liệu rất tiện sử dụng, được nhiều người ưa chuộng trong việc mua bán, trao đổi... Thực tế cho thấy ở số đông người dân vẫn ý thức được rằng sử dụng túi nilon thông thường sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng.
|
Quá trình phân hủy túi nilon có thể mất từ 500 - 1.000 năm |
Theo các nhà khoa học, quá trình túi nilon phân hủy có thể mất từ 500 - 1.000 năm nếu không có tác động của ánh sáng mặt trời. Ngay cả khi đã phân hủy trong đất, chất nhựa PE cũng sẽ làm cho đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Bên cạnh đó, do có chứa chì, cadimi... (trong mực in tạo nên màu trên các bao bì), túi nilon có thể gây hại cho não, là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi!
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 vùng, miền cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon /hộ/ tháng.Tính riêng ở Hà Nội nếu trung bình một tháng mỗi gia đình xả ra 60 gram túi nilon, thì tương đương mỗi tháng đã chất chồng vài chục tấn loại rác khó phân hủy này.
Theo tìm hiểu, túi nilon thường có 2 loại. Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.
Loại thứ hai, thường dùng phổ biến chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Đáng nói, trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì... là những chất nguy hại tiềm ẩn, có thể dẫn đến bệnh ung thư nếu sử dụng.
Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ 1-1-2012. Theo luật này, mỗi ki lô gam túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Tuy nhiên, giá túi ni lông này được bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/ki lô gam, trong khi đó túi tự hủy có giá thấp nhất cũng hơn 50.000 đồng/kg. Chính vì vậy, loại túi nilông thân thiện môi trường (dễ phân hủy) dù đã được miễn thuế nhưng cũng không thể cạnh tranh về giá bán với túi nilông thông thường.
Ngoài ra, các nhà sản xuất túi nilông thân thiện môi trường không đáp ứng được nhu cầu mua khối lượng nhỏ, lẻ và đa dạng của tiểu thương.Các nhà sản xuất này thường yêu cầu số lượng đặt hàng lớn và chưa có các điểm phân phối, các điểm bán cố định đối với loại túi này...
Trước những tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, thời gian qua, các kênh phân phối hiện đại đã tiên phong trong việc triển khai sử dụng túi nilon bảo vệ môi trường. Tại các hệ thống phân phối lớn như: Coop Mart, Metro, Big C… đã chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Theo đó, từ cuối năm 2013, Big C đã chính thức đưa túi tự hủy vào sử dụng làm bao bì đựng hàng hóa cho khách hàng, thay thế loại túi nilon được dùng trước đó trên toàn hệ thống Big C. Hay tại hệ thống siêu thị Metro cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng túi sử dụng nhiều lần để đựng hàng khi mua sắm thay thế túi nylon thông thường, được phát miễn phí. Các túi thân thiện này có giá bán 10.000 đồng/chiếc. Lần mua sau, khách hàng có thể tái sử dụng chiếc túi này tại Metro.
Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị ban hành quy định cấm phát miễn phí túi nilông. Theo đó, cần ban hành quy định cấm phát miễn phí túi nilông tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách...
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy đánh thuế có thể khiến lượng sử dụng túi nilông giảm khoảng 80%. Vài năm gần đây, đặc khu kinh tế Hong Kong đã hạn chế tình trạng người dân sử dụng túi nilông khi mua sắm bằng cách thu phí trực tiếp đối với người sử dụng. Khi mua sắm nếu cần túi nilông để đựng đồ mang về, người dùng sẽ phải trả 50 cent - 1 HKD (1.500 - 3.000 đồng). Tiền túi nilông này được tính trực tiếp vào hóa đơn bán hàng tại tất cả siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng nếu không muốn bị tính phí này, có quyền từ chối khi họ đem theo túi xách mua sắm.
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon, công khai thông báo tên các doanh nghiệp đang sản xuất túi nilon bảo vệ môi trường được cấp chứng nhận sản phẩm. Có khuyến cáo cách nhận biết đâu là các sản phẩm chất lượng, sản phẩm tái chế... cũng như cách thức phân biệt được túi ni lông khó phân hủy và túi ni lông thân thiện với môi trường. Đồng thời đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010… |