Hiểm họa khôn lường của việc ồ ạt nhập lò đốt chất thải cỡ nhỏ
18:38 - 30/09/2015
(MTNT) – Nhiều năm nay, ở các khu vực nông thôn đang nảy sinh nhu cầu bức thiết trong việc xử lý chất thải sinh hoạt hàng ngày của dân cư. Trước thực trạng diện tích chôn lấp ngày càng bị thu hẹp, tìm kiếm vị trí chôn lấp rác thải ở nhiều nơi gặp khó khăn, việc đầu tư một bãi tập trung để chôn lấp rác lại rất tốn kém. Gần đây, đã xuất hiện công nghệ lò đốt không dùng nhiên liệu nên được nhiều tỉnh áp dụng ồ ạt do thấy lợi thế về chi phí.
Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi vẫn còn đang phổ biến ở nhiều vùng nông thôn hiện nay

 
Phương pháp đốt trong lò kiểu này có một số ưu điểm như đốt xong thì hết rác, lại không tốn diện tích cho việc lưu trữ rác tồn đọng. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các chuyên gia về môi trường thì giải pháp này tuy đạt được một vài lợi ích trước mắt nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường.

 
Thêm vào đó, nguồn gốc công nghệ của các lò đốt chất thải sinh hoạt đang được sử dụng tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng. Ngoài các lò được sản xuất trong nước, có nhiều lò được báo cáo rằng có xuất xứ từ nước ngoài như: Nhật Bản, Thái Lan…

 
Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để xác định nguồn gốc xuất xứ thật sự của những chiếc lò đốt kiểu như vậy. Một số đơn vị cung cấp lò, do nắm được tâm lý của khách hàng là thích dùng công nghệ nước ngoài nên đã gian dối cung cấp thông tin sai lệch về xuất xứ hoặc làm đẹp hồ sơ bằng cách thuê văn phòng và đăng ký kinh doanh tại một nước có tiếng trong khi sản phẩm lại được sản xuất ở một nơi khác.

 
Công nghệ lò đốt được coi là không thân thiện với môi trường, không được sử dụng ở nhiều nước châu Âu. Còn tại Việt Nam, việc khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường cũng đã được quy định cụ thể ở Nghị định 38/2015/NĐ- CP về quản lý chất thải và phế liệu.


 
Thế nhưng đi ngược lại với xu hướng này, hàng loạt tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang đang đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc ồ ạt mua sắm và lắp đặt công nghệ lò đốt rác thải cỡ nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt đang tồn đọng ở địa phương.


Năm 2013, thực hiện đề tài mô hình thu gom và xử lý rác thải nông thôn ở Vĩnh Phúc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư lắp đặt một lò đốt rác thải cỡ nhỏ NF105 trị giá 2,25 tỷ đồng tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.


Đây là lò đốt rác bằng không khí tự nhiên, sản xuất tại Thái Lan. Lò có kích thước rất nhỏ 1,45 x 2,65 x 2m, công suất 120- 450 kg rác/giờ, hoạt động được suốt 24/ 24 giờ. Lò đốt này xử lý rác thải sinh hoạt cho 9/13 thôn của xã Tam Hồng.

 
Từ một lò đốt rác thải thử nghiệm ban đầu, sau hai năm, huyện Yên Lạc đã được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư thêm 7 lò đốt rác thải cỡ nhỏ nữa, nâng tổng số lò đốt rác thải cỡ nhỏ trên địa bàn huyện là 8 chiếc. Trong số 8 lò đốt rác thải cỡ nhỏ trên địa bàn huyện, hiện nay đã có 5 lò đốt đang hoạt động và 3 lò đốt chuẩn bị đưa vào sử dụng.

 
Địa phương này đang phấn đấu tiến tới mục tiêu toàn bộ 17 xã trên địa bàn huyện đều sẽ được đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ như vậy. Chi phí mua lò đốt rác thải được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư, còn việc xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đốt rác thải do UBND huyện Yên Lạc chi trả. Ước tính chi phí ban đầu cho mỗi lò đốt rác thải hết khoảng chừng 3 tỷ đồng.


 
Không chỉ riêng tại Yên Lạc, nhiều huyện khác trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng đang được đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ như các huyện: Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo. Theo ông Nguyễn Thành Yên- Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường cho hay, tại Việt Nam hiện đang có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt chất thải sinh hoạt ở các tuyến huyện và xã.

 
Nhiều tỉnh thành khác như Thái Bình cũng đầu tư lò đốt cỡ nhỏ tại thị trấn Thanh Nê, Tiền Hải, Vũ Thư; tỉnh Nam Định đầu tư tại huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy. Đây cũng là một giải pháp tình thế trước mắt, góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn.

 
Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, cách làm như vừa qua cần được xem xét lại cho thấu đáo. Công nghệ đốt, nếu áp dụng đúng quy trình cũng sẽ khống chế được một số yếu tố nguy hại.


 
Những yêu cầu kỹ thuật như: Nhiệt độ của lò đốt phải đạt trên 1.000 độ C, song trên thực tế, điều này thường không được chú ý tuân thủ. Phải phân loại rác thải trước khi đốt, kể cả đối với lò công nghiệp hay lò đốt cỡ lớn. Một số loại rác chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa Clo làm từ PVC có khả năng gây phát thải dioxin. Phải xử lý tốt khí thải, đầu tiên phải dập bụi, hạ nhanh nhiệt độ, vì khi ở giai đoạn từ 400- 600 độ C sẽ rất dễ tạo thành dioxin. Nếu quá trình giảm nhiệt độ (từ trên 600 độ xuống dưới 400 độ) xảy ra nhanh, nguy cơ tạo thành dioxin sẽ được giảm đáng kể.

 
Ngoài ra, dây chuyền lò đốt phải sử dụng tháp chứa các chất hấp phụ, chẳng hạn như than hoạt tính dùng để hấp phụ các chất độc hại có trong khí thải trước khi đem thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn đầu tư, các lò đốt cỡ nhỏ cùng lắm chỉ mới bố trí được khoang dập bụi, việc hạ nhiệt độ không kiểm soát được tốt, không có bộ phận hấp phụ nên nguy cơ phát thải dioxin là rất cao.

 
Cụ thể, chúng ta cần phải xem xét lại việc đầu tư ồ ạt lò đốt rác thải cỡ nhỏ do trong quá trình đốt rác rất khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí chung. Hiện nay, xu hướng trên thế giới đang bắt đầu coi lò đốt là công nghệ đã lỗi thời, nhiều nước không khuyến khích, thậm chí còn cấm sử dụng lò đốt, đặc biệt là đối với những lò đốt có quy mô nhỏ.

 
Theo các chuyên gia của Nhật Bản, cách đây nhiều năm Nhật cũng từng đi theo mô hình này. Họ đã cho lắp hàng nghìn lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ, nhiều lò nằm bên trong hoặc khá gần khu dân cư và sau đó, nước Nhật đã phải mất rất nhiều năm để tìm được giải pháp giải quyết những hậu quả của việc đầu tư tràn lan này.


 
Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về vấn đề quản lý chất thải và phế liệu, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao chức năng quản lý Nhà nước về việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó có công tác xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đi vào hoạt động.


Trước đây, toàn bộ công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc chức năng của Bộ Xây dựng. Như vậy, theo quy định hiện nay, Bộ Xây dựng chỉ còn quản lý việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân công tại Nghị định này. Do vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang đánh giá lại thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kể cả việc sử dụng lò đốt để đưa ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

 
Đồng thời, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang tiến hành xây dựng quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đây sẽ là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn ban đầu.


 
Bên cạnh đó, hiện nay đã có nhiều lựa chọn tiên tiến cho quá trình xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế. Ví dụ như khi đem đồng xử lý trong lò nung xi măng cho thấy kết quả rất tốt, do lò xi măng sẵn có nhiều ở Việt Nam nên không mất tiền đầu tư. Hơn nữa, lò xi măng hiện đại có nhiệt độ cao, công suất lớn, có hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu bảo vệ môi trường tiên tiến, không phát sinh tro xỉ.

 
Một số nước cũng đang nghiên cứu thử nghiệm và đi theo hướng công nghệ chuyển hóa chất thải thành nhiên liệu như than, dầu, khí đốt hoặc ninh áp suất cao để chuyển hóa chất thải thành các vật chất hữu cơ đồng nhất làm phân bón... Tuy nhiên, đối với các công nghệ mới, đầu tư thường cao hơn và cũng cần phải có một sự thử nghiệm nghiêm túc trước khi được nhân rộng.
 
 

Mai Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn