Khi chưa có nước sạch, người dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) phải tắm chung với bò trên một dòng sông, giặt đồ bằng nước mương.
|
Từ khi có nước sạch, anh Ma Văn Hòa phát triển thêm nghề trồng cây cảnh |
Giờ đây, nước sạch đã về từng hộ gia đình, nước sinh hoạt không còn là nỗi ám ảnh truyền đời của người dân.
Phước Thắng là xã khu Đông thuộc huyện Tuy Phước, mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng. Nước của những giếng đào sâu chừng 10 m múc lên bốc mùi không thể sử dụng được.
Đến khi có “công nghệ” giếng đóng, mạch nước ngầm được lấy sâu đến 40-50 m thì bị nhiễm phèn, mặn rất nặng, phải đưa qua hồ lọc mới dám dùng để rửa ráy, giặt đồ chứ không thể dùng nấu ăn được.
Ông Ma Văn Hòa ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng, nhớ lại: “Nước giếng đóng mà dùng nấu cơm để đêm tới sáng là thiu ngay, bay mùi ôi khắp nhà.
Nước mới bơm lên thấy trong veo, để chừng 15 phút sau là váng đóng đầy, cặn lắng đóng một lớp dày dưới đáy thùng”.
Theo người dân ở đây, đến cả giặt đồ bằng nước giếng đóng cũng chẳng ai dám, nhất là đồ trắng, bởi phèn sẽ làm ố áo ngay từ lần đầu giặt. Ngay cả áo màu, khi giặt xong treo lên phơi, phèn đọng vàng ở tà áo và 2 cánh tay.
Do đó, người dân ở đây chọn những mương nước phục vụ cho SXNN để giặt đồ. Dù nước trong những con mương chẳng sạch sẽ gì, thường xuyên bị ô nhiễm bởi rác thải nông nghiệp và xác gia súc, nhưng xem ra còn đỡ hơn nước giếng ở nhà. Nếu ai lười mang đồ ra mương giặt thì ở nhà giặt bằng nước giếng, sau đó ra mương gánh nước về xả để đồ khỏi nhuốm phèn.
“Đến mùa thu hoạch lúa, các con mương đầy những rơm rạ, nước trở nên vàng chóe không giặt đồ được, khi ấy người dân ở đây mới chịu giặt đồ bằng nước giếng”, bà Lê Thị Thu ở thôn Lạc Điền cho biết.
Theo bà Thu, vào mùa hạn việc kiếm nước còn khó hơn, người dân phải đào những cái hầm nhỏ ngoài ruộng để lấy mạch ngang, nước rỉ ra rất chậm nhưng mỗi hầm có đến 5-7 người gánh thùng đến lấy nước.
Thay phiên nhau múc, lần lượt mỗi người múc mỗi ca đổ vào thùng, đến khi đầy thì gánh về.
Ông Võ Minh Thế, ở thôn Phổ Đồng, cho biết thêm dân Phước Thắng hầu hết làm nông nghiệp, cả ngày bám đồng làm ruộng, chiều về ra con sông chảy ngang qua xã để tắm. Chiều, cũng là thời điểm đàn bò trong xã ra sông tắm. Do đó, người tắm chung với bò là hình ảnh thường ngày ở địa phương này.
“Bò tắm phía dưới, mình tắm phía trên, dù tắm chung với bò nhưng thế vẫn còn sạch hơn tắm nước giếng đóng ở nhà”, ông Thế nói.
Khi ấy, nước uống và nước nấu cơm người dân Phước Thắng trông cậy nguồn cung của Nhà máy nước Phước Quang (huyện Tuy Phước). Tuy nước ở nhà máy này chưa được cho là nước sạch, nhưng trong bối cảnh ấy không còn sự lựa chọn nào khác.
Người dân Phước Thắng phấn khởi khi được dùng nước sạch
“Xã Phước Thắng có 2.826 hộ dân, từ năm 2011 đến nay, số người đăng ký dùng nước sạch tăng dần từng năm, hiện đã có đến 96% hộ sử dụng nước sạch do Nhà máy nước Phù Cát cung cấp. Từ khi được dùng nước sạch, người dân trong xã không còn bận tâm đến chuyện đi mua nước ăn uống mỗi ngày”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng. |
Tuy nhiên, việc đi lấy nước vẫn còn bất tiện, vì nước từ Nhà máy Phước Quang chỉ đưa về 3 điểm tập trung, 1 điểm tại HTXNN, 1 điểm tại thôn Tư Cung và 1 tại thôn Lạc Điền.
Mỗi buổi chiều, người dân trong xã gánh thùng lũ lượt kéo về những điểm cấp nước tập trung để mua nước, mỗi gánh 1.000 đồng. Có hộ phải đi hàng cây số mới mua được nước gánh về.
Nhưng đó là “chuyện ngày xưa”, từ nhiều năm nay, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Bình Định đã đưa nước sạch từ Nhà máy nước Phù Cát về cung cấp cho người dân xã Phước Thắng.
Từ đó, nỗi ám ảnh về nước sinh hoạt, nước ăn uống của người dân Phước Thắng không còn.
Ông Ma Văn Hòa ở thôn Phổ Đồng (xã Phước Thắng), cho biết: “Nước sạch được đưa về tận nhà từng hộ dân. Chúng tôi được hỗ trợ từ đường ống đến đồng hồ, người dân chỉ phải chi phí đưa nước từ đồng hồ vào nhà nên chỉ mất chừng 400-500 ngàn là có nước sạch dùng thoải mái”.
Từ khi có nước sạch, người dân xã Phước Thắng không chỉ thoát được nỗi khổ về nước, mà còn phát triển thêm nghề trồng cây cảnh vì đã có nước tưới thoải mái.
Theo đánh giá của người dân ở đây, nước sạch của Nhà máy nước Phù Cát có chất lượng gấp 10 lần so với nước của Nhà máy nước Phước Quang trước đó.
“Hiện giá nước được tính 5.500đ/khối. Gia đình tui có 4 người, xài xả láng mỗi tháng trả hơn 120 ngàn tiền nước”, ông Hòa cho hay.
Tuy nhiên, theo người dân ở đây, giá nước hiện được tính 5.500đ/khối là còn khá cao, trong khi hầu hết người dùng nước là dân thuần nông, thu nhập rất thấp, mỗi tháng trả hơn 100 ngàn tiền nước có hộ không kham nổi.