Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở khảo nghiệm thuốc BVTV bằng Drone
Tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc BVTV bằng Drone sẽ là hướng dẫn kỹ thuật quan trọng để đưa công nghệ này triển khai rộng rãi vào thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với Hiệp hội Croplife Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng UAV/Drone của một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc BVTV bằng UAV”.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những thông tin về hiện trạng ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích của việc ứng dụng và tiềm năng áp dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, công ty nghiên cứu và phát triển giải pháp BVTV, công ty cung cấp thiết bị UAV... đã trao đổi, thảo luận, tham gia góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc BVTV phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng bằng Drone. Đây được xem là hướng dẫn kỹ thuật quan trọng để đưa công nghệ này triển khai rộng rãi vào thực tiễn lĩnh vực BVTV tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Việc ứng dụng Drone để phun thuốc BVTV đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật của công nghệ về hiệu quả, độ chính xác, khả năng tiết kiệm lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho người dân...
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Cục BVTV đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay của Việt Nam, các công ty thành viên của Hiệp hội CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA)… tiến hành các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng Drone.
Qúa trình thử nghiệm, đã lựa chọn 8 dạng thuốc BVTV (29 loại), tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính, phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước. Đây là cơ sở quan trọng để Cục BVTV xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc BVTV bằng Drone.
Theo ông Đạt, tiêu chuẩn cơ sở được ban hành sẽ là cơ sở kỹ thuật để các đơn vị thực hiện xây dựng quy trình phòng trừ sinh vật gây hại bằng thiết bị Drone cho từng loại thuốc, cây trồng, sinh vật gây hại khác nhau. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, vận hành Drone đảm bảo nguyên tắc "4 đúng", hiệu quả, an toàn trong sử dụng thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, việc triển khai Drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là một bước chuyển đổi quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, góp phần đổi mới phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, bước đi này giúp giảm chi phí đầu vào; nâng cao giá trị, vị thế nông sản Việt Nam, chất lượng cuộc sống của nông dân; đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Ông YingNan Jlang, đại diện CropLife châu Á cho rằng: 80% nông dân canh tác quy mô nhỏ trên toàn cầu đang sinh sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc ứng dụng Drone trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết nhiều thách thức lớn mà ngành nông nghiệp tại châu Á đang phải đối mặt như: Áp lực dịch hại tăng cao, chi phí sản xuất tăng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, sức khỏe và sự an toàn của nông dân bị đe dọa, thiếu hụt và già hóa lao động nông nghiệp...
Bên cạnh đó, nếu so sánh với việc phun thuốc BVTV bằng tay thì ứng dụng Drone giúp giảm lượng nước cần dùng, giảm 50% chi phí, hiệu lực tương đương, thậm chí tốt hơn, tốc độ phun nhanh hơn 30 lần, giảm bớt áp lực thiếu nhân công...
Trên cơ sở đó, ông YingNan Jlang đề xuất: Để ứng dụng thành công Drone trong sản xuất, cần nâng cao nhận thức chung về lợi ích của Drone trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, nâng cao năng suất và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác đa ngành giữa Chính phủ và ngành công nghiệp; tích cực trao đổi thông tin, kiến thức và các phương thức ứng dụng tiên tiến để quản lý rủi ro...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và góp nhiều ý hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc BVTV phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng khi sử dụng Drone. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, trong tiêu chuẩn cơ sở, cần sử dụng câu chữ rõ ràng, mạch lạc, cụ thể theo từng vấn đề; sớm thống nhất quy định về diện tích ô khảo nghiệm, phương pháp điều tra lấy mẫu, liều lượng thuốc sử dụng, dung tích bình, sử dụng lượng nước phun, xử lý thuốc…
Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị bay với các thông số kỹ thuật, cách thức vận hành khác nhau nên cần có đơn vị đánh giá, thẩm định, quản lý thiết bị bay. Việc quản lý, vận hành, chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật về vận hành Drone phải do tổ chức đảm nhiệm. Người vận hành thiết bị bay phải là người thuộc các tổ chức được cấp phép, được đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ vận hành…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) kiến nghị: Lợi ích của việc sử dụng thiết bị bay không người lái đã được minh chứng. Tuy nhiên, nếu không có đánh giá cẩn thận, hướng dẫn cụ thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Do đó, việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm sử dụng thuốc BVTV bằng Drone rất quan trọng. Trong đó, một vấn đề cần được tiếp tục đánh giá thêm là việc phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái có ảnh hưởng đến cây trồng và các sinh vật có ích trên đồng ruộng hay không.