Cục Trồng trọt khuyến cáo tuyệt đối không cấy lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C để tránh việc mạ bị chết do giá rét.
Mẹo chống rét cho mạ
Thời gian qua, các tỉnh phía Bắc đã liên tiếp xẩy ra rét đậm, có nơi rét hại, nền nhiệt độ phổ biến nhiều nơi dưới 15 độ C. Diễn biến rét đậm, rét hại kéo dài đúng thời điểm các tỉnh phía Bắc, trọng tâm là vùng ĐBSH và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc gieo cấy vụ đông xuân 2021 - 2022.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, các đợt rét đậm, rét hại sẽ còn xuất hiện thời gian tới, chủ yếu trong tháng 2/2022. Đây cũng là thời điểm thời tiết ẩm ướt, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù gia tăng so với cùng kỳ hàng năm ở khu vực Bắc bộ.
Để chủ động phòng, chống rét cho lúa vụ đông xuân tại các tỉnh phía Bắc trước diễn biến rét đậm, rét hại kéo dài, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo: Đối với diện tích lúa đã gieo sạ, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2 - 3cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Đối với diện tích mạ đã gieo, tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để chống rét cho mạ. “Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C”, ông Cường nhấn mạnh.
Đối với diện tích chưa gieo mạ, cơ quan quản lý chuyên ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại.
Riêng các tỉnh vùng ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc, cần rà soát lại kết quả lấy nước trong thời gian qua, huy động nông dân, các đội dịch vụ thủy nông tranh thủ khơi thông, tu bổ hệ thống kênh mương, đầu khâu, đầu cống để hạn chế thất thoát nguồn nước đã lấy, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để lấy nước, trữ nước đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian lấy nước đổ ải theo lịch của Bộ NN-PTNT đợt 3 (từ 0 giờ 00’ ngày 13/2 đến 24 giờ 00’ ngày 17/2/2022).
Tập trung gieo cấy, kết thúc trong tháng 2/2022
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, đối với diện tích chưa gieo mạ (diện tích trà xuân muộn), cần tập trung gieo cấy kết thúc trước 28/2. Riêng một số tỉnh miền núi phía Bắc, có thể kéo dài nhưng không quá 5/3 để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất.
Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.
Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ cần chủ động rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả. Đặc biệt đối với vùng cao, vùng được dự báo thiếu hụt nước cần chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh phù hợp.
Đối với sản xuất rau màu, Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý, cần thu hoạch kịp thời cây vụ đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng; chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh… Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm.
Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán.