Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường
15:34 - 25/11/2021
(MTNT) – Từ nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa đã trở nên vô cùng quen thuộc với con người, là một trong những nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Thực tế cho thấy, tại hầu hết các cửa hàng, quán ăn, chợ hay siêu thị... tất cả đều đang sử dụng các loại đồ nhựa khác nhau, chúng thường được dùng để bao gói các sản phẩm nhằm phục vụ khách hàng một cách tiện lợi và nhanh nhất.

Ước tính thời gian cần thiết để các loại rác thải nhựa và túi nilon tự phân hủy hết được phải tính bằng hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm sau


 
Bên cạnh đó, rất nhiều những món đồ dùng một lần được sản xuất từ nhựa đã và đang hiện diện thường xuyên trong cuộc sống của con người ngày hôm nay như: Chai lọ nhựa, bát nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, túi nilon, các chất dẻo tổng hợp… Do các sản phẩm làm từ nhựa với nhiều thuộc tính vượt trội (sự tiện lợi, nhanh gọn); đặc biệt, còn có mức giá thành rẻ nên đã thu hút và được rất nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

 
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy thế giới đang sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa/năm. Đồng thời, có tới 40% số lượng sản phẩm bằng nhựa tuy đã sản xuất ra mà không được sử dụng đến.

 
Ước tính hiện nay, sản lượng nhựa trên toàn thế giới đã tăng lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế; 12% bị đốt bỏ; còn lại có tới 79% lượng rác thải nhựa vẫn đang tiến hành xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra ngoài môi trường. Chính những thứ rác thải nhựa đang xử lý bằng cách đốt bỏ hoặc chôn lấp đó đã gây ra rất nhiều nguy hại làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của con người.

 
Rác thải nhựa chính là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE, bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng. Mặc dù sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon đang mang lại những tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày; song, nó cũng chính là tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người, tới môi trường sống và cả các sinh vật biển.

 
Hầu hết các loại rác thải nhựa sẽ dần bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, với đặc tính bền vững tự nhiên, rác thải nhựa rất khó để phân hủy được nhanh chóng. Ước tính thời gian cần thiết để chúng tự phân hủy hết được phải tính bằng hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm sau. 

 
Do đó, nếu như chúng ta chỉ tiêu hủy bằng cách chôn lấp, các sản phẩm từ nhựa trong quá trình phân huỷ sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, cùng với các hạt vi nhựa (microplastic) được hòa lẫn vào nguồn nước, đi vào chu trình sản xuất chuỗi thực phẩm làm thức ăn và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người. Mặt khác, túi nilon khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây hiện tượng xói mòn đất, làm cho đất bạc màu không tươi xốp, kém chất dinh dưỡng… Từ đó, làm cho cây trồng chậm tăng trưởng, kém phát triển.

 
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi các loại rác thải nhựa được sản xuất tái chế hay đốt tiêu hủy sẽ làm phát thải ra chất độc dioxin, furan cùng rất nhiều loại độc tố khác… Đây đều là những chất rất nguy hại, có khả năng gây ngộ độc, làm ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, suy giảm khả năng miễn dịch của con người.


Thậm chí, nếu tồn tại lâu dài trong môi trường còn gây biến đổi giới tính, tác hại tới não và là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư. Do đó, vấn nạn rác thải nhựa ngày càng trở nên nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

 
Mặt khác, khá nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng nên trong quá trình sử dụng, chúng sẽ sản sinh ra BPA- là một chất độc hại. Từ đó, có thể gây ra các bệnh lý hết sức nguy hiểm ở người như:Vô sinh, tiểu đường, ung thư… Ngoài ra, trong một số loại túi nilon còn có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất nên khi đốt cháy, lại gặp phải hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dễ gây ra tình trạng mưa axit rất nguy hiểm…

 
Tại Việt Nam, ước tính trung bình mỗi năm đang thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Có tới hơn 80% số rác nhựa đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

 
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa- hay còn gọi là vấn nạn “ô nhiễm trắng”. Trước thực trạng số lượng rác thải nhựa vẫn đang ngày càng gia tăng mỗi ngày, vì thế nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

 
Nhận thức rõ vấn đề này, đồng thời để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, từ tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân nhằm kêu gọi cả xã hội và cộng đồng cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm trắng. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa...

 
Chỉ sau một năm phát động trên phạm vi toàn quốc, phong trào “Chống rác thải nhựa”  đã được đông đảo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội triển khai một cách rộng rãi, có sức lan tỏa, kêu gọi, vận động từng người dân tích cực quan tâm và hưởng ứng. Từ những hành động nhỏ ở khắp nơi đã góp phần thay đổi dần thói quen, nâng cao nhận thức cho từ các em học sinh đến các doanh nghiệp và mọi người dân.

 
Cụ thể, ở khắp nơi trên cả nước, danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã dùng chai thủy tinh thay cho cốc nhựa; sử dụng các loại ống hút sản xuất từ mía, cỏ, giấy, inox và dùng cốc giấy cho các loại sản phẩm mang đi…

 
Trong các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh cùng phụ huynh của mình. Từ những việc làm cụ thể như: Không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được (vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy...) để đổi lấy cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.

 
Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã nói không với rác thải nhựa bằng việc sử dụng bình nước bằng kim loại để thay thế cho chai nước nhựa tại các hội nghị, hội thảo. Các địa phương cũng đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với nhiều chương trình, mô hình mới, sáng tạo nhằm đẩy mạnh việc lan truyền mạnh mẽ những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường sống xanh cho các thế hệ tương lai của Việt Nam.

 
Đặc biệt, sau hơn một năm thực hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa, chúng ta đã thành lập được Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu chung là đẩy mạnh thu gom tái chế bao bì nhằm cải thiện môi trường; Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) với các tổ chức xã hội cá nhân cam kết thực hiện và lan tỏa lối sống không rác thải.

 
Tại các tỉnh, thành phố lớn, hầu hết các siêu thị đều đã cam kết không sử dụng túi nilon như: Co.opmart Việt Nam, Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… Thay vào đó là việc đẩy mạnh cách sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần cho túi nilon.

 
Các doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng hoạt động chống rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể như: Một số hãng hàng không đã cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay (không sử dụng bao nilông để đựng chăn mà thay bằng bao bì giấy). Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần. Các hãng sản xuất đồ uống lớn cũng đã bỏ lớp màng nhựa trên hàng tỷ nắp chai nhựa… Từ đó, giúp giảm thiểu được hàng tấn ni lông thải bỏ ra môi trường.

 
Mới đây, Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021.

 
Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án đó là: Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

 
Đề án cũng phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

 
Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

 
Có thể thấy, vấn đề xử lý rác thải nhựa đã và đang tạo ra thách thức lớn không chỉ cho riêng cá nhân hay tổ chức nào mà đó còn là vấn đề chung của toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thức hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước. Tất cả những nỗ lực đó nhằm hướng đến mục tiêu chung, đó là: Toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Nguyễn Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn