Hơn 75% dân số nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh
15:27 - 26/10/2021
(MTNT)- Tại Việt Nam, đến nay hơn 75% dân số nông thôn nước ta đã có nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học.
Nước ta vẫn còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.


Trên thế giới hiện có khoảng 4,2 tỷ người sống mà không được sử dụng điều kiện vệ sinh an toàn, 673 triệu người vẫn đang phải sử dụng những nhà vệ sinh thô sơ và 3 tỉ người thiếu các thiết bị sinh hoạt cơ bản. Cuộc khủng hoảng vệ sinh này có nghĩa là chất thải của con người không được xử lý đang là nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nguồn nước và chuỗi thức ăn của hàng tỷ người. Theo tính toán, vệ sinh không an toàn sẽ gây ra 432.000 ca tử vong vì bệnh tiêu chảy mỗi năm.
 
 
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 1,5 triệu trẻ em thấp còi liên quan đến vệ sinh kém, hầu hết số này sống ở vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn.
 
 
Từ năm 2013, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 19/11 hằng năm là “Ngày Nhà tiêu Thế giới”. Ngày Nhà tiêu Thế giới năm 2020 có chủ đề: “Vệ sinh bền vững và biến đổi khí hậu”. Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng cao đang đe dọa các hệ thống vệ sinh - từ nhà vệ sinh, bể tự hoại đến các nhà máy xử lý. Do đó, mọi người phải có hệ thống vệ sinh bền vững, cùng với nước sạch và các phương tiện rửa tay, để giúp bảo vệ và duy trì an ninh sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm chết người như COVID-19, dịch tả và thương hàn. Các hệ thống vệ sinh bền vững cũng tái sử dụng chất thải để thúc đẩy nông nghiệp một cách an toàn, đồng thời giảm thiểu và thu hồi khí thải để tạo ra năng lượng xanh hơn.
 
 
Tại Việt Nam, 21 tỉnh, thành phố được thụ hưởng Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" giai đoạn 2016 – 2020 vay vốn ngân hàng Thế giới (WB), nhiều hộ dân đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, thay đổi tập quán sinh hoạt, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
 
 
Tại Yên Bái, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 50 xã đạt vệ sinh toàn xã. Một trong những hoạt động thiết thực của Chương trình là việc xác định các cửa hàng tiềm năng; lựa chọn thành lập mạng lưới chuỗi cung ứng; phát triển cung ứng vật liệu sản phẩm nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã, tạo cơ hội cho người dân dễ dàng mua được các sản phẩm nhà tiêu trọn gói, chi phí thấp. Năm 2020, Chương trình đã thu hút 21 cửa hàng tiện ích, 182 thợ xây, 182 cộng tác viên bán hàng tham gia vào chuỗi cung ứng.
 
 
Cùng với tuyên truyền có bài bản, tích hợp 3 phần chính trong truyền thông thay đổi hành vi, tại các xã còn có sự can thiệp nhằm hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh. Năm 2020, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 1.915 nhà tiêu hộ gia đình; nâng cấp, sửa chữa 37 công trình cấp nước và vệ sinh cho 32 trạm y tế, đã hoàn thiện bàn giao và đưa vào sử dụng…, nâng tỷ lệ số hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà vệ sinh toàn tỉnh lên 72,5%; 77% hộ nông thôn có điểm rửa tay; 100% trường học công lập có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 98,8% trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tổng số vốn thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn năm 2020 là 8,15 tỷ đồng.
 
 
Điển hình tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên), trước đây với 97% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh trong nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi Chương trình triển khai trên địa bàn xã hỗ trợ thực hiện hợp phần vệ sinh, nhiều công trình nhà vệ sinh đã được hỗ trợ xây dựng, cải tạo. Thông qua các hoạt động truyền thông, người dân đã biết cách bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh, thực hành rửa tay bằng xà phòng đúng cách. Đến nay, 72,3% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 93% hộ gia đình có điểm rửa tay; 100% trường học, trạm y tế có công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Mường Lai là 1 trong 26 xã được công nhận “Vệ sinh toàn xã” năm 2020.
 
 
Tại Lai Châu, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trên địa bàn tỉnh được triển khai tại 7 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè.
 
 
Đến nay, Chương trình triển khai tại 17 xã với 1.194 hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với mức 1 triệu đồng/hộ. 100% các hộ dân tại các xã triển khai được cung cấp kiến thức về kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, các trường học, trạm y tế cũng được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh đảm bảo các tiêu chí của Chương trình. Đến năm 2020, 17 xã này đã được công nhận đạt chuẩn “Vệ sinh toàn xã”.
 
 
Tiêu biểu như xã Khun Há (huyện Tam Đường) được chọn tham gia Chương trình nhằm tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, xã có trên 76% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh.
 
 
Để đạt được tiêu chí trên, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp ở bản, hộ gia đình nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân; đồng thời khảo sát nhu cầu làm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của bà con để có biện pháp hỗ trợ. Qua đó, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã đăng ký xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Xã Khun Há đã được công nhận đạt chuẩn về “Vệ sinh toàn xã”.
 
 
Hay xã Mường Cang (huyện Than Uyên) có 13 bản với 45 hộ tham gia Chương trình. Các hộ dân trong xã chủ động xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh. Hàng tuần, các bản tổ chức dọn vệ sinh, không vứt rác thải bừa bãi; giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hiện toàn xã có 50 hộ tự đầu tư kinh phí và được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh; trên 5 hộ cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt.
 
 
Tại Đắk Lắk, Chương trình hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo 4.400 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình vùng nông thôn với mức 50 USD/nhà. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và cải tạo được 2.356 nhà tiêu hợp vệ sinh.
 
 
Là địa phương được hưởng lợi từ chương trình, xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) có 30 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ năm 2018. Từ 50 USD được hỗ trợ, nhiều hộ đã bỏ thêm từ 1 - 3 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu kết hợp nhà tắm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Đến nay, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt. Hiện toàn xã đã có trên 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhờ đó môi trường sạch sẽ hơn hẳn.
 
 
Có thể thấy, các công trình vệ sinh nông thôn hoàn thành đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất và cũng tốn chi phí ít nhất trong công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
Vũ Quang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn