Lạng Sơn: Hội viên, nông dân tích cực bảo vệ môi trường
14:32 - 23/06/2021
(MTNT) – Những năm qua, hoạt động bảo vệ môi trường luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân. Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo Hội ND các huyện, thành, thị triển khai tới 100% cơ sở Hội tham gia ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường nông thôn.

Nhờ triển khai tốt việc thu gom và xử lý rác thải góp phần giúp nhiều địa phương giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm, môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp

Hội ND tỉnh còn chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng chương trình phối hợp hoạt động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư và gia đình văn hóa”. Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp ở khu dân cư. Từ đó, tỉnh Hội lựa chọn tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa vào nhiệm vụ hàng năm của các cấp Hội để tích cực chỉ đạo thực hiện.
 

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp Hội trong tỉnh xác định có vai trò hết sức quan trọng. Hàng năm, Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở. Nội dung chính được tập trung chú trọng gồm: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường…

 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục còn được các cấp Hội tổ chức linh hoạt khi được lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ, các hội nghị… để phổ biến nhằm tăng tính hiệu quả. Hoạt động này thường sẽ được tập trung áp dụng chủ yếu ở các địa bàn có làng nghề hoặc các khu đô thị; đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc.

 
Đáng chú ý, trong năm 2020, các cấp Hội đã vận động và xây dựng mới 144 mô hình bảo vệ môi trường; nâng tổng số trong toàn tỉnh hiện có 510 mô hình bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo giúp công tác vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn đạt nhiều kết quả.

 
Hội ND huyện Chi Lăng được đánh giá là đơn vị tiêu biểu của toàn tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều cách làm hay, giải pháp phù hợp, các cấp Hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh- sạch- đẹp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

 

Hàng năm, Hội ND huyện tổ chức cho các cấp Hội tham gia đăng ký các chỉ tiêu cụ thể như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường; không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn; xây dựng các mô hình hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường…

 
Trong năm 2020, toàn huyện đã có 6.360 hộ hội viên, nông dân tích cực tham gia đăng ký và cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Đồng thời, các cấp Hội còn luôn chú trọng tới công tác phổ biến, tuyên truyền giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cũng như dần thay đổi hành vi và thái độ trong việc bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân.
 

Đến nay, các cấp Hội trong huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho trên 12.000 lượt hội viên, nông dân về những nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung phổ biến những nội dung như: Kỹ năng thu gom, phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình; sử dụng phân bón an toàn và hiệu quả; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả rác bừa bãi… Ngoài ra, nhân dịp diễn ra các sự kiện lớn hay chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường hàng năm, các cấp Hội còn tích cực phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, ra quân cụ thể và vận động đông đảo hội viên, nông dân cùng tham gia hưởng ứng.

 

Tiêu biểu có Hội ND xã Y Tịch là một trong những đơn vị điển hình về bảo vệ môi trường của huyện, nhất là việc vận động hội viên, nông dân đầu tư xây lò đốt rác mini ngay tại gia đình. Đến nay, toàn xã có 515/555 hộ hội viên, nông dân đã có lò đốt rác mini; 8/8 thôn có mô hình lò xử lý rác thải và xây dựng được 92 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
 

 

Hộ gia đình anh Lương Hiệu Nghiệm ở thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch cũng là một tấm gương hội viên, nông dân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Theo anh chia sẻ: Gia đình anh có 0,7 ha diện tích đất canh tác và hàng năm đang chuyên canh trồng cây na. Vì thế, lượng rác thải từ vỏ thuốc bảo vệ thực vật, vỏ phân bón… thải ra là khá lớn. Được Hội ND xã tuyên truyền, vận động nên gia đình anh đã đầu tư xây lò đốt rác. Nhận thấy tính hiệu quả rõ nét từ mô hình nên anh tiếp tục vận động các hộ gia đình xung quanh cùng thực hiện để góp phần giảm thiểu tình trạng vứt rác thải độc hại bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.
 

Đạt được những kết quả trên, trước hết là nhờ các cấp Hội trong huyện đã luôn đổi mới, linh hoạt trong triển khai hoạt động tuyên truyền. Theo đó, bằng những hình thức tuyên truyền qua các băng rôn, khẩu hiệu được treo ngay tại nhiều địa điểm công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tuyên truyền trong các cuộc họp, hội thảo, tập huấn đã giúp tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân thay đổi ngay từ trong nhận thức. Từ đó, tích cực và tự nguyện tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực như: Xây dựng hố thu gom rác; ra quân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm…
 

 

Nhờ sự hưởng ứng và làm theo nhiệt tình của đông đảo hội viên, nông dân trên địa bàn, các cấp Hội trong toàn huyện đã hướng dẫn và xây dựng được 41 mô hình bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: Mô hình “Thôn, bản xanh, sạch, đẹp”; nhà tiêu hợp vệ sinh; lò đốt rác mini tại gia đình…

 

Những hoạt động tích cực để bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân như trên đã góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Tính riêng từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội trong huyện đã xây mới gần 200 lò đốt rác gia đình; trong đó, Hội đã hỗ trợ kinh phí gần 30 triệu đồng giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo triển khai thực hiện mô hình. Hiện, toàn huyện đang có trên mô hình 1.000 lò đốt rác ngay tại gia đình.

 
Cùng với đó, về cơ bản các hộ hội viên, nông dân đều đã nâng cao nhận thức và chủ động di dời chuồng trại chăn nuôi cách xa khu nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Đối với các loại chất thải, rác thải đều được bà con tiến hành phân loại, dọn dẹp sạch sẽ; đường làng ngõ xóm thường xuyên được quét dọn; các địa phương đã không còn tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi…

 
Tại địa bàn xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng hiện cũng đang nở rộ phong trào các hộ dân tích cực đầu tư xây dựng lò đốt rác qui mô gia đình để giúp việc thu gom xử lý rác thải tập trung được thuận lợi và đạt kết quả. Nhờ đó, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp diện mạo nhiều địa phương trở nên khang trang, sạch đẹp.

 
Để vận động các hộ dân trong xã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng hố rác gia đình, ngay từ đầu năm 2019, Hội ND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã hoặc lồng ghép phổ biến qua các cuộc họp của thôn. Đồng thời, tiến hành việc treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các nội dung bảo vệ môi trường tại nhiều tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xã…

 
Đến nay, hầu hết các hộ dân của 9/9 thôn trong xã đều đã xây dựng được hố rác qui mô hộ gia đình. Mô hình cũng đang cho thấy tính hiệu quả rõ rệt và sức lan tỏa tích cực.

 
Hộ ông Phùng Văn Tuyên ở thôn Chùa, xã Yên Thịnh vốn có cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, hàng ngày lượng rác thải là các loại túi, hộp nhựa thải khó phân hủy khá nhiều. Trước đây, mỗi lần mưa to gió lớn khiến rác thải của gia đình ông bay ra đường và rất khó trong việc thu gom lại. Được Hội ND xã tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã đầu tư 1 triệu đồng để xây dựng hố rác ngay tại gia đình. Nhờ đó, lượng rác thải ra đều được thu gom ngay vào hố rác, cứ cách ngày gia đình ông lại đốt bỏ nên đã không còn tình trạng rác vứt bừa bãi làm ô nhiễm môi trường như trước nữa.

 
Hội ND xã Long Đống, huyện Bắc Sơn những năm qua cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường nông thôn.

 
Theo đó, các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư và lắp đặt hơn 50 thùng đựng rác tại các tuyến đường ra vào vào các thôn. Đồng thời, xây dựng 20 bể thu gom rác thải nông nghiệp tại các tuyến đường nội đồng và xây dựng nhiều lò đốt rác mini tại gia đình. Đến nay, trên địa bàn xã đã không còn cảnh người dân xả rác thải bừa bãi như trước; môi trường nông thôn ngày càng trở nên xanh- sạch- đẹp.

 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Hội sẽ quan tâm, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; phối hợp với ngành chức năng thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống; vận động bà con không đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn…

 

Phạm Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn