Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều bất cập
11:11 - 18/11/2020
(MTNT) – Những năm gần đây, mặc dù chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm và có nhiều nỗ lực nhằm cải tạo diện mạo của các vùng nông thôn cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra cho thấy vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn tại nhiều địa phương vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nhiều địa điểm xử lí rác thải rắn sinh hoạt ở địa bàn nông thôn đang trở nên quá tải, không đảm bảo các yêu cầu về giữ gìn vệ sinh môi trường

 
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 62,6 triệu dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn, chiếm khoảng 65% tổng số dân của cả nước. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn đang phát sinh ra môi trường khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, nghĩa là mỗi năm ước tính sẽ phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn các chất thải rắn vẫn đang được tiến hành thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh dẫn tới nhiều bất cập, làm ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường.
 

Bên cạnh đó, trong đời sống hàng ngày và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân ở nông thôn còn làm phát sinh thêm khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt; 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi; hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Ngoài ra, còn các chất thải rắn phát sinh từ nhóm làng nghề tái chế phế liệu như: Kim loại, giấy, nhựa, cao su, nilon… Tất cả những thứ này đều có chứa nhiều thành phần gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của con người.

 
Đáng lo lắng ở chỗ, qua những con số được các ngành chức năng công bố, cả nước hiện mới chỉ có khoảng 40 - 55% khối lượng rác thải nói trên được thu gom và xử lý. Phần còn lại chủ yếu là các chất thải rắn khó xử lý hiện vẫn chưa có cách giải quyết triệt để nên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe của người dân.

 
Hiện nay, tại khá nhiều vùng nông thôn của nước ta, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát nằm ngay cạnh những con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn bị người dân thiếu ý thức đem đóng thành bao rồi ném bừa bãi xuống sông, trên bờ các con suối, kênh, rạch… Hầu hết các loại rác này vẫn đang thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua bất cứ công đoạn xử lý nào; hoặc có xử lý mà không đạt tiêu chuẩn.

 
Thực trạng này đã và đang gây nên nhiều bức xúc đối với người dân sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, còn là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở mức nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong cả nước.

 
Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tuyên Quang, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên toàn địa bàn mỗi ngày vào khoảng 202 tấn. Theo dự báo đến năm 2025, khi dân số trong tỉnh tăng lên mức trên 713 nghìn người thì ước tính khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ra môi trường sẽ tăng lên tới 285 tấn/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực đô thị của tỉnh mới đạt trên 96%; còn tại các địa bàn ở nông thôn, tỷ lệ này vẫn đang rất thấp (chỉ đạt khoảng 30%), tương đương 60,6 tấn/ngày.

 
Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 11 đơn vị được thành lập và đang triển khai thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn chưa được trang bị đầy đủ những năng lực về phương tiện cũng như nhân lực cần thiết để có thể tiến hành thu gom, vận chuyển rác thải tại các địa bàn dân cư một cách hiệu quả.

 
Do đó, hầu hết ở các thôn hiện còn đang phải đợi từ 2 - 3 ngày (thậm chí có nơi tới 5 ngày) thì rác thải mới được thu gom một lần; tất yếu, việc tồn đọng rác thải trong các khu dân cư vẫn diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Mặt khác, các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt thường được bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã nhưng lại không được che đậy kín dẫn đến tình trạng rác thải bay lung tung gây ô nhiễm môi trường cũng như làm xấu xí cảnh quan xóm, làng...

 
Ở các vùng nông thôn của tỉnh Nghệ An ước tính hàng ngày cũng đang phát sinh ra môi trường khoảng gần 900 tấn rác thải. Tuy nhiên, hầu hết những chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm cả chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy như: Nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật… Riêng tại những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa hoặc ở các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh thì vẫn đang phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng (chợ, đường giao thông, điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm…).

 
Mỗi ngày, tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang thải ra môi trường bình quân khoảng 590 tấn rác thải. Thế nhưng, khả năng thu gom, xử lý rác ở khu vực này mới đạt khoảng 69%, chủ yếu vẫn theo phương thức chôn lấp.

 
Tại nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu (huyện Tam Đảo); xã Bồ Sao (huyện Vĩnh Tường); xã Quất Lưu (huyện Bình Xuyên); xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm (thị xã Phúc Yên)... hiện vẫn chưa có bãi rác thải tạm thời. Do đó, các ngành chức năng vẫn đang phải tiến hành việc thu gom, tập kết rác về những địa điểm trung chuyển rồi sẽ tiếp tục phải thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để tiến hành xử lý…

 
Mặc dù, các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nỗ lực triển khai thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn như: Quy hoạch xây dựng bãi tập kết rác rộng hơn; đầu tư lò đốt rác, nhà máy xử lý rác có quy mô, công suất lớn để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải tại địa phương... Tuy nhiên, hiện trong toàn tỉnh vẫn chưa có dự án nào chính thức được đầu tư xây dựng vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông thôn...


Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn vào khoảng 647 tấn/ngày. Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị hàng ngày đi thu gom, vận chuyển rác thải, song tỷ lệ thu gom ở khu vực nông thôn mới đạt khoảng 70% lượng rác được thải ra. Trong đó, có 10 bãi rác, 6 lò đốt và 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Các nhà máy này hiện cũng mới chỉ xử lý được khoảng 220 tấn rác/ngày đêm.

 
Bên cạnh đó, tình trạng nước thải sinh hoạt nông thôn đang phân tán trên diện rộng nên gây nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý. Thậm chí, tại một số địa phương, tình trạng này còn trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Điển hình như khu vực tập trung 14 hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh). Trong số này mới chỉ có 1 hồ nuôi được xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, còn lại 13 hồ nuôi theo thời vụ được xây dựng cạnh dòng nước Khe Ngâm vẫn chưa có những đánh giá tác động về môi trường của cơ quan chức năng.
 

Tình trạng nước thải từ các hồ nuôi xả ra đã khiến cho dòng nước Khe Ngâm bị ô nhiễm trầm trọng, bốc mùi hôi thối. Đường ống dẫn nước từ các điểm nuôi tôm đang tạo thành những con mương nhỏ, hàng ngày vẫn dẫn nguồn nước thải đen kịt chảy thẳng ra biển Kỳ Xuân; ngoài ra, xác tôm chết cùng những lớp bùn dày này tạo nên mùi hôi thối… Tất cả đều đang làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân trên địa bàn.

 
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đánh giá, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại một số địa phương trong cả nước hiện đã tích cực đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính đang có khoảng hơn 40% tổng số thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác tự quản của thôn, xã đang tiến hành việc thu gom rác thải trong các khu dân cư để vận chuyển đến địa điểm tập kết; sau đó, các doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải ở địa bàn nông thôn.

 
Thực tế diễn ra ở khu vực đô thị cho thấy, các công ty dịch vụ môi trường là các doanh nghiệp công ích đang hoạt động theo mô hình 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước và 20% do người dân đóng góp. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường hiện chủ yếu lấy từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp. Mức kinh phí này chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với thu nhập chỉ bằng từ 30 - 40% so với thu nhập của người thu gom rác ở các đô thị.

 
Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn cũng chưa có đủ năng lực để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề về quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải… còn chưa có các biện pháp xử lý. Vì thế dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn trong sinh hoạt ngày càng gia tăng.

 
Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác còn chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt rác chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.

 
Do đó, để quản lý rác thải rắn ở khu vực nông thôn đạt hiệu quả rất cần phải có sự chung tay, cùng tham gia một cách tích cực của các cấp chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng cũng như ý thức tự giác chấp hành của người dân ở nông thôn. Có như vậy môi trường nông thôn mới được giữ gìn, bảo vệ, mang lại sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày càng cao cho người dân.



Nguồn:
http://consosukien.vn/rac-tha-i-nong-thon-thu-c-tra-ng-va-di-nh-huong-qua-n-ly.htm

Thu Nguyệt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn