Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước
08:21 - 26/10/2020
(MTNT)- Hiện nay, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng TOP 5 thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia,Thái Lan) khi lượng rác thải đổ ra sông, biển ngày càng nhiều. 
Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về những tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người.


Hệ thống nước mặt của nước ta với hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km cùng hàng nghìn hồ, ao; nguồn nước này cũng là nơi cư trú, là nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chất lượng nguồn nước mặt ở nước ta đang ngày càng suy thoái nghiêm trọng; nước tại các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt ở các đô thị và vùng công nghiệp bị biến chất và nguy hiểm. Ước tính, 70% tổng số nước thải từ các khu công nghiệp vẫn xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý; đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
 
Tại các lưu vực sông, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, nhiều nơi vô cùng ô nhiễm. Cụ thể một số sông ở vùng núi Đông Bắc như: Sông Kỳ Cùng và các sông nhánh trong những năm gần đây chất lượng giảm sút xuống loại A2; sông Hiến, sông Bằng Giang còn ở mức B1. Đầu nguồn các tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang) vài năm gần đây, vào mùa khô thường xuất hiện ô nhiễm bất thường trong thời gian ngắn 3 – 5 ngày. Sông Hồng (đoạn qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc) hầu hết các thông số vượt QCVN 08:2008 – A1, một số địa điểm gần các nhà máy thậm chí xấp xỉ B1 (đoạn sông Hồng từ Cty Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao đến KCN phía nam TP.Việt Trì), các thông số đều vượt ngưỡng B1 nhiều lần. Tuy nhiên, so với các dòng sông khác trong vùng, sông Hồng có mức độ ô nhiễm thấp hơn.
 
 
Tại sông Cầu, thời gian qua có nhiều đoạn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là những đoạn chảy qua các đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Lưu vực sông Nhuệ – Đáy, nhiều đoạn bị ô nhiễm tới mức báo động, vào mùa khô giá trị các thông số BOD5, COD, TSS… tại các điểm đo đều vượt QCVN 08:2008 loại A1 nhiều lần; sông Nhuệ còn bị ô nhiễm nặng sau khi tiếp nhận nước từ sông Tô Lịch. Lưu vực sông Mã, riêng thông số độ đục rất cao do có lượng phù sa lớn và hiện tượng xói mòn từ thượng nguồn.
 
 
Miền Trung và Tây Nguyên có một số khu vực chất lượng nước giảm do việc đổi dòng để phục vụ các công trình thủy lợi (hiện tượng ô nhiễm trên sông Ba vào mùa khô). Nguồn ô nhiễm chính ở khu vực Đông Nam bộ là nguồn ô nhiễm nước mặt, chủ yếu do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Sông Đồng Nai tuy khu vực thượng lưu sông chất lượng nước tương đối tốt nhưng khu vực hạ lưu (đoạn qua thành phố Biên Hòa) nước sông đã bị ô nhiễm.
 
 
Sông Sài Gòn trong những năm gần đây mức độ ô nhiễm mở rộng hơn về phía thượng lưu. Sông Thị Vải dù các khu vực ô nhiễm trước đây đã từng bước được khắc phục nhưng tại một số điểm vẫn ô nhiễm cục bộ. Hệ thống sông ở đồng bằng sông Cửu Long nước thải nông nghiệp lớn nhất nước (70% lượng phân bón được cây và đất hấp thụ, 30% đi vào môi trường nước). Vì vậy, chất lượng nước sông Tiền và sông Hậu đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (mức độ ô nhiễm sông Tiền cao hơn sông Hậu). Sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm bởi nhiều yếu tố: Hoạt động sản xuất từ nhà máy, khu dân cư tập trung; sông Vàm Cỏ Đông có mức độ ô nhiễm cao hơn sông Vàm Cỏ Tây.
 
 
Tại các làng nghề, theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải đều có thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Khảo sát một số làng nghề sắt thép, đúc đồng, nhôm, chì, giấy, dệt nhuộm ở Bắc Ninh cho thấy lượng nước thải hàng nghìn m3/ ngày mà không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường trong khu vực.
 
 
Trung tâm quan trắc và dự báo tài nguyên nước đã công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên; theo đó, mực nước ngầm đang sụt giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi cũng không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như: Hàm lượng amoni, asen, hữu cơ… Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, số vi khuẩn Feca coliform trung bình biến đổi từ 1.500-3.500MNP/100ml ở các vùng ven sông Tiền và sông Hậu; tăng lên tới 3.800-12.500MNP/100ml ở các kênh tưới tiêu.
 
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm nước, trong đó có hai nguyên nhân chính, gây tác động mạnh nhất chính là con người và tự nhiên. Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng phát triển, kéo theo các khu công nghiệp được thành lập nên lượng rác thải công nghiệp ngày càng nhiều, lại chưa được xử lý triệt để đã thải trực tiếp ra môi trường, dòng sông gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước.
 
 
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: Nước tiểu của gia súc; thức ăn thừa trong chăn nuôi không qua xử lý; thuốc trừ sâu, phân bón trong trồng trọt có chứa các chất hóa học độc hại đều gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
 
 
Đáng chú ý là còn nhiều bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường: Nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục. Ngoài ra, các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu (chưa có các quy định và quy trình kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước); cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng; chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn...
 
 
Tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đổ ra sông, hồ tùy tiện như hiện nay thì ảnh hưởng đầu tiên, dễ nhận thấy nhất là các loại cá, tôm chết hàng loạt tại các bờ biển, ao hồ nuôi. Khi thuỷ sản bị nhiễm độc từ nguồn nước ô nhiễm, nếu con người sử dụng chúng làm thức ăn cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
 
 
Theo đánh giá chung, tại một số địa phương, những ca bị mắc các bệnh ung thư, viêm nhiễm phụ khoa, tiêu hóa, đường ruột… thường cao hơn so với những nơi có nguồn nước sạch. Tỉ lệ người mắc thường chiếm tới 40-50%, đó là con số đáng báo động khi nguồn nước sử dụng đang bị ô nhiễm.
 
 
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 9 nghìn người chết vì nguồn nước bẩn và vệ sinh kém chất lượng; số ca mắc ung thư tới 100 nghìn người. Trong đó, nguyên nhân tìm ra là do nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh và độ an toàn cho người sử dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tại Việt Nam có khoảng 44% trẻ nhỏ bị nhiễm giun sán, 27% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. 
 
 
Ngoài các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì ô nhiễm nước còn gây tổn thất nghiêm trọng tới kinh doanh, sản xuất (trồng lúa, hoa màu), chăn nuôi và thủy sản…
 
 
Để giải quyết thực trạng trên, yêu cầu đặt ra là cần phải có các chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài; quan trọng nhất là cần có sự chung tay của cả động đồng. Trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về những tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người. Đối với bà con nông dân, có thể xây dựng và đưa vào thực hành các kế hoạch quản lý chất dinh dưỡng để hạn chế sự dư thừa, góp phần làm giảm khả năng ô nhiễm nguồn nước ngầm từ phốt phát và nitrat; tác động của các loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ có thể được quản lý bằng cách sử dụng các kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Trần Dương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn