Duy trì tính bền vững công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
18:01 - 16/11/2017
(MTNT) – Hiện nay, tình trạng công trình cấp nước tập trung hoạt động không bền vững và chưa đáp ứng được nhu cầu diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Số công trình hoạt động bền vững chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số công trình được đầu tư, xây dựng.
Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước

 
Đơn cử như tỉnh Điện Biên có trên 800 công trình cấp nước tập trung, nhưng chỉ có 37,4% số công trình hoạt động bền vững. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn.


Trong đó, huyện Tuần Giáo có 14/119 công trình hoạt động bền vững; huyện Điện Biên Đông có 12/200 công trình; huyện Nậm Pồ có 27/103 công trình; huyện Mường Ảng có 7/75. Hầu hết các công trình trên do các thôn, bản tự quản lý, sử dụng, một số ít công trình do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã quản lý.

 
Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn thấp là do công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa chưa được thực hiện thường xuyên, không có kinh phí hoạt động.


Một số nơi do mở đường giao thông, thi công đường, điện làm đứt, gãy đường ống, nhưng không có phương án di dời, bồi thường thiệt hại và cũng không có biện pháp tu sửa khắc phục kịp thời, làm thất thoát vật tư và làm cho tình trạng hư hỏng của công trình ngày càng trầm trọng hơn.


Tại các thôn, bản do không thu được kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước (do hình thức cấp nước là bể tập trung, không có đồng hồ) và địa phương cũng không có kinh phí hỗ trợ nên công tác duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện kịp thời.


 Bên cạnh đó các công trình chủ yếu lấy nước từ các khe suối nên bị lũ, sạt lở đất thường xuyên, gây mất nước, rò rỉ nước đầu nguồn, đứt gãy đường ống, lún, nứt, thậm chí cuốn trôi cả đập đầu mối, đường ống và các hạng mục khác, công trình bị xuống cấp do sử dụng lâu ngày không được nâng cấp, thay thế.


Mặt khác công trình cấp nước tập trung chủ yếu được xây dựng trên địa bàn vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống và dân trí thấp, ý thức của người dân còn hạn chế trong việc sử dụng và bảo quản công trình nên công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình còn gặp nhiều khó khăn.


Để khắc phục tình trạng trên và tìm ra hướng đi mới cho lĩnh vực cấp nước nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn đi đầu trong việc thay đổi hình thức cấp nước từ bể chứa tập trung sang trụ vòi có lắp đồng hồ.


Hình thức này đã thí điểm thành công với 4 công trình áp dụng công nghệ lọc áp lực và lọc tự rửa tại xã Thanh Chăn, Núa Ngam (huyện Điện Biên), xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa), xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Khi công trình xây dựng xong, Trung tâm nước sạch tỉnh phối hợp với tổ chức tổ chức phát triển Hà Lan tổ chức các lớp tập huấn cho tổ quản lý vận hành công trình, xuống từng hộ dân lấy ý kiến về mức thu, chi, quản lý, vận hành, trách nhiệm cá nhân và thống nhất mức chi, ký hợp đồng sử dụng nước đối với từng hộ cụ thể.


Cả 4 công trình được thí điểm đều có mức thu từ: 2000- 2.500 đồng/m3 nước (đây là mức thu thấp nhất nằm trong định mức thu của Thông tư số 88 /2012/TT-BTC ban hành).


Khu vực nông thôn Hà Nội hiện vẫn còn 60% hộ dân chưa được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn. Điều đáng nói, trong số các công trình cấp nước sạch được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì không ít công trình hoạt động không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí bởi lý do quản lý yếu kém.


Thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cho thấy: Trên địa bàn TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung từ nhiều nguồn vốn. Trong số đó, hiện có 86 công trình hoạt động nhưng không đồng đều; còn lại, 11 trạm đang được xây dựng, 22 công trình xây dựng dở dang từ nhiều năm nay hoặc đã từng hoạt động nhưng hiện xuống cấp trầm trọng.


Trên địa bàn huyện Ba Vì có 16 công trình cấp nước thì 7 trạm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, 5 cái khác đã ngừng hoạt động do hư hỏng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, do đặc thù địa hình đồi núi, mạng lưới đường ống chịu sự ảnh hưởng lớn của các yếu tố thiên nhiên, đơn cử như sau một trận mưa lớn có thể gây tắc đường ống.


Hơn nữa, hầu hết trạm cấp nước này được đầu tư theo Chương trình 134, 135 cho đồng bào dân tộc miền núi, không thu tiền nước của nhân dân nên không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến xuống cấp và nhanh chóng rơi vào tình trạng hoạt động kém.


Công trình cấp nước thôn Hương Canh được UBND huyện Ba Vì có công suất 200m3/ngày - đêm, cấp nước cho 100 hộ dân. Tuy nhiên, do là trạm cấp nước tự chảy, sử dụng nguồn nước mặt từ suối, không có hệ thống khử trùng, cụm đầu mối không được vệ sinh thường xuyêndẫn tới mạng lưới đường ống xây dựng lâu năm bị hoen gỉ, tỷ lệ thất thoát nước cao.


Hơn nữa, vì được quản lý bởi cộng đồng nên không có cán bộ chuyên trách vận hành, không có vốn để tái đầu tư và sửa chữa nên công trình ngày một xuống cấp trầm trọng. Mới đây, khi kiểm tra thực tế, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đánh giá, trạm cấp nước này hoạt động không hiệu quả.

 
Thời gian qua, khu vực nông thôn của tỉnh Lào Cai được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, đặc biệt là công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Từ những nguồn vốn này, tỷ lệ dân số nông thôn Lào Cai được cấp nước sinh hoạt đạt trên 83%, số xã đạt tiêu chí 17.1 (tiêu chí về nước sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới) là 65/143 xã, đạt tỷ lệ 45,5%.


Hiện nay, toàn tỉnh có 1.015 công trình cấp nước tập trung tự chảy và trên 33.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, công suất thiết kế đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh cho trên 86% dân số. 


Việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xây dựng qua nhiều thời kỳ, lồng ghép nhiều nguồn vốn, nhiều chủ đầu tư với mục đích đầu tư mang tính hỗ trợ nhân dân cải thiện điều kiện sử dụng nước hợp vệ sinh, phục vụ xóa đói giảm nghèo, không vì mục đích kinh doanh nên công trình đầu tư đơn giản, chất lượng nước cung cấp chỉ đạt mức hợp vệ sinh.


 Cùng với đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Lào Cai hầu như không có kinh phí hoạt động, không thu được tiền sử dụng nước và việc thực hiện chính sách hỗ trợ sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn nhiều bất cập. 


Trong tổng số trên 1.000 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì chỉ có 96 công trình thu được tiền sử dụng nước (chiếm tỷ lệ 9,5%), với mức thu bình quân từ 1.000 - 2.000 đồng/m3, còn lại 919 công trình không thu tiền nước theo quy định.


Do phần lớn các công trình không thu đủ hoặc không thu được tiền nên tổ chức, quản lý công trình không có kinh phí để hoạt động, nhất là chi thù lao cho người trông coi. 


Việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sửa chữa công trình (10.000 đồng/người/năm) theo quyết định 59/2011/QĐ-UBND và hiện nay là quyết định số 14/2016/QĐ-UBND qua kiểm tra tại 9 huyện thành phố cho thấy đều chưa được thực hiện do hầu hết các xã không lập kế hoạch hoặc một số xã có lập, nhưng không được UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ. 


Ngoài ra, việc thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ chuyên môn (100% số xã không có cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên ngành thủy lợi) đã dẫn tới hạn chế trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện quản lý, khai thác công trình. 


Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác quản lý vận hành bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.  Thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu ban hành chính sách cấp bù giá tiền nước sinh hoạt nông thôn; giao Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện là đầu mối chuyển giao kỹ thuật, quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý khai thác một số công trình cấp nước có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đặc thù trên địa bàn.


Từ kết quả các mô hình thí điểm thiết nghĩ lãnh đạo các cấp, ngành cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa vấn đề quản lý công trình sau đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước cũng như tích cực tham gia bảo vệ hệ thống công trình để có thể sử dụng lâu dài.
 

 

Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn