Bắc Ninh: Đa dạng hóa các mô hình cấp nước sạch cho người dân nông thôn
18:54 - 29/09/2017
(MTNT) - Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trong toàn tỉnh qua các năm ngày càng tăng cao. Đến cuối năm 2016, hầu hết các tỷ lệ trong chương trình cấp nước sạch nông thôn theo "Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn tỉnh đều cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân ở khu vực nông thôn giúp giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị

 
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, các ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã phối hợp để tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước bằng nhiều hình thức đa dạng, thông qua các ngày kỷ niệm như: Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày môi trường thế giới… Qua đó, đã thu hút được hàng nghìn người dân ở địa phương tham gia và hưởng ứng.

 
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,22 % (mục tiêu của chương trình là 85%); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02-BYT của Bộ Y tế đạt 54,7% và dự kiến đến cuối năm 2017 đạt 100% (mục tiêu của chương trình là 45%).

 
Ngoài ra, theo kết quả điều tra bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn các tỷ lệ khác cũng đều đạt và vượt chỉ tiêu như: Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 82,3% (mục tiêu của chương trình là 65%); tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 99,6% (mục tiêu của tỉnh là 99%); tỷ lệ trạm y tế khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh 100% (mục tiêu là 100%); tỷ lệ hộ nông dân có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 79,86% (mục tiêu là 45%).
 

Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn xã hội hóa, tại các khu vực nông thôn của tỉnh hiện đã có 36 dự án đầu tư cấp nước được hoàn thành và đang vận hành đều đặn, với công suất hơn 57.000 m3/ngày, đêm; cung cấp nước sạch cho gần 50.500 hộ gia đình.

 
Các dự án cấp nước sạch nông thôn khi được đưa vào sử dụng đã cho thấy đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, việc cung cấp nước sạch còn góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với các đô thị. Đồng thời, việc này cũng làm thay đổi dần nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.

 
Nhờ việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thông qua các chính sách ưu đãi đã khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung.

 
Đến nay, có 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn với công suất đạt xấp xỉ 100.000 m3/ngày, đêm. Nhờ vậy, thị trường cung cấp nước sạch vùng nông thôn đã được đa dạng hóa, người dân được tiếp cận với dịch vụ và chất lượng tốt nhất.

 
Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh cũng đã áp dụng chính sách xã hội hóa. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 97 xã thì đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư được 47 công trình cấp nước sạch đủ để cấp nước cho 56 xã. Các công trình đều đã và đang vận hành tốt, đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân.

 
Hiện tại còn 19 công trình cấp nước sạch mục đích để cấp phối cho 41 xã còn lại cũng đang được tiến hành thi công, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành. Các hệ thống trục chính và trục nhánh đường ống nước chạy đến trung tâm các xã thì đến hết quý 2 năm 2017 cũng đã đấu nối xong đến từng hộ dân. Mục tiêu đến hết năm 2017 sẽ nâng tỷ lệ người dân các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch tập trung đạt 100%.

 
Theo ông Nguyễn Đông Tháp- Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Các công trình nước sạch đã phát huy hiệu quả và được người dân nhiệt tình đón nhận. Việc xây dựng các trạm cấp nước tập trung để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân là một chủ trương hết sức đúng đắn, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa bảo vệ nguồn nước ngầm, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch.

 
Thời gian tới, các cấp lãnh đạo của tỉnh sẽ tích cực hơn trong việc đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước sạch. Đồng thời, chú trọng việc huy động các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, quản lý và khai thác nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư của Nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân ở khu vực nông thôn.

 
Song song với việc nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như công suất của các trạm cấp nước, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung và xử lý môi trường để mọi người dân trên địa bàn đều được sử dụng nước máy, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


 

Như Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn