Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam
12:11 - 30/10/2015
(MTNT) - Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Thực trạng ô nhiễm

Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Đến nay, mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lí nước thải.


Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận... Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
 
Một số giải pháp giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và tài nguyên nước

Ảnh minh họa

Luật tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đưa vào giảng dạy ở các cấp học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn vào các khu công nghiệp trong cả nước để họ hiểu biết và chấp hành tốt hơn. Các hành vi làm tổn hại đến môi trường và nguồn nước phải được chế tài bằng công cụ luật pháp đủ mạnh, cần phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng, sử dụng tiết kiệm nước và chống các biểu hiện làm suy thoái nguồn nước.


Để xử lý vấn đề vệ sinh môi trường bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước hết cần phải phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan như: Bộ tài chính, Bộ Tài Nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Xây dựng, để giải quyết bài toán, nước thải. Cần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị xứng tầm với các nước trong khu vực và tiên tiến trên Thế giới, cần xây dựng chiến lược ngành trong dài hạn…
 

Trong công tác quản lý nguồn nước, các tỉnh cần phối hợp giữa các vùng có dòng sông đi qua địa phương mình. Khu vực dân cư sinh sống có ao hồ, kênh rạch, đầm lầy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân ký cam kết không xả nước thải. chất thải chưa qua xử lý xuống sông, ao hồ, kênh rạch, đầm lầy…để giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

 
An ninh nguồn nước là một thử thách rất lớn cho đất nước ta hiện nay và tương lai. Sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước sẽ không bao giờ bền vững nếu không có chiến lược bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ sự trong lành của nguồn nước. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường đây không phải là khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực, trong đó phải có những giải pháp khoa học trong quản lý lưu vực sông, suối , ao hồ…Với sự tham gia của cả cộng đồng người và các tổ chức xã hội.
 
 
Thảo Nguyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn