Quảng Trị: Xây dựng thương hiệu làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
14:51 - 07/08/2020
(Cổng ĐT HND) - Địa bàn xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong) hiện có 02 làng nghề truyền thống là bún Thượng Trạch và bún, bánh Linh Chiểu. Năm 2019, sản phẩm “bún sạch Vạn Linh” (thôn Linh Chiểu) được công nhận là một trong 19 sản phẩm đạt 3 sao chương trình OCOP của tỉnh; mới đây, sản phẩm “bún Thượng Trạch” được công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là tín hiệu vui giúp bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cơ sở sản xuất bún của chị Trần Thị Nga tại làng nghề Thượng Trạch

 
Chủ tịch Hội ND xã Triệu Sơn Nguyễn Cường cho biết: Nghề làm bún đã có từ rất lâu, hiện toàn xã có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất bún, bánh, bột các loại. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các hộ làm bún đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc trong các khâu sản xuất nên bình quân mỗi hộ gia đình làm từ 150 - 170kg bún/ngày.

 
Nhờ áp dụng các loại máy móc nên năng suất, chất lượng bún được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đầu năm 2020, Hội ND xã đứng ra hợp đồng với Phòng kinh tế hạ tầng huyện thực hiện Đề án hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu bún Thượng Trạch và sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, hội viên được cấp nhãn mác đều phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu bằng việc thực hiện đúng quy chế, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm bún của xã hiện được quảng bá giới thiệu thông qua Hội chợ triển lãm, cung cấp tại các nhà hàng, chợ, siêu thị Coopmart Đông Hà và mở rộng thị trường ra các vùng trong và ngoài tỉnh như: Thị xã Quảng Trị; các huyện Hải Lăng, Đông Hà, Hướng Hóa; thành phố Huế, Đà Nẵng…

 
Nghề làm bún đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn. Bà Trần Thị Nga- hội viên, nông dân sản xuất bún lâu đời ở thôn Thượng Trạch chia sẻ: Để bún ngon, dẻo dai đảm bảo chất lượng yêu cầu gạo phải sạch trắng và có hàm lượng tinh bột cao, hạt gạo chắc không bị nát như gạo Khang Dân; nguồn nước sử dụng phải sạch, không phèn. Với 1 kg gạo làm ra được 2 kg bún, giá thị trường từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình bà đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng.

 
Để thương hiệu bún bền vững, những năm gần đây, công tác môi trường càng được các cấp, các ngành chú trọng. Chính quyền xã đã xây dựng Đề án di dời các hộ sản xuất tập trung tại điểm công nghiệp làng nghề xa dân cư, có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường chung, đồng thời đáp ứng công tác quy hoạch lâu dài phát triển làng nghề bền vững. Hội ND xã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hội viên, nông dân di dời ra điểm quy hoạch làng nghề sản xuất bún tập trung đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Năm 2019, 24/24 hộ dân sản xuất bún thôn Thượng Trạch đã di dời và ổn định sản xuất; làng nghề sản xuất bún Linh Chiểu đang gấp rút hoàn thành và có 47/63 hộ cam kết sẽ di dời cuối năm 2020.

 
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Lân cho biết: Khu quy hoạch làng nghề Thượng Trạch có diện tích 1 ha, được phân lô có kích thước 7,5m x 15m/lô, các hộ sản xuất tự túc kinh phí xây dựng nhà xưởng theo quy hoạch. UBND huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà xưởng phục vụ công tác di dời và các công trình cơ sở hạ tầng gồm: Đường giao thông, hệ thống điện, nước, tường rào, công trình vệ sinh chung; tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tất cả hệ thống được điều khiển tự động qua nhà điều hành, công suất hoạt động 24/24h để đảm bảo lượng nước thải được xử lý liên tục. Đối với bà con sản xuất phải cam kết thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, quy chế làng nghề. Để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, thời gian tới dự án tiếp tục hỗ trợ kinh phí làm đường ống 500m dẫn nước thải ra cuối kênh, rạch. Trong quá trình triển khai, phía chủ đầu tư, địa phương và các hộ sản xuất sẽ dần khắc phục những hạn chế của hệ thống.
 
 
Việc quy hoạch và di dời các hộ sản xuất bún vào các điểm sản xuất tập trung giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hội ND xã cùng với các ban, ngành địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu sản phẩm, phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường.
Thúy Trần
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn