|
Hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề đều được xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý |
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm làng nghề đang ở mức báo động. Hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận.
Có đến 60% làng nghề tập trung ở khu vực phía Bắc như: Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... Miền Trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở thành phố Cần Thơ, các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương.
Các làng nghề đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Hiện làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn... Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay, chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp.
Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống.
Đến nay, có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Ngoài ra, hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề đều được xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có nơi lên tới hàng nghìn lần.
Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.
Tại Hà Nội, qua khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề trên địa bàn thành phố cho thấy môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.
Theo các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Kết cấu hạ tầng nông thôn như: Đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.
Là một xã có nghề may phát triển, mỗi ngày, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) phát sinh khoảng 5 tấn rác thải công nghiệp thông thường (chủ yếu là vải vụn). Theo quy định, hộ sản xuất phải ký hợp đồng thu gom rác thải công nghiệp riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt nhưng nhiều hộ tự xử lý bằng cách đốt, tạo lượng khói độc và tro bụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng diễn ra tại xã Tân Triều (Thanh Trì). Tân Triều có làng Triều Khúc và làng Yên Xá. Trong đó làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa.
Các rãnh thoát nước trong làng dù đã được bê tông hóa, song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng xả thẳng xuống cống chung không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; đồng thời xây dựng các quy định về vệ sinh môi trường và quy chuẩn quốc gia về khí thải, nước thải cho phù hợp với các cơ sở sản xuất ở các làng nghề.
Đồng thời, các Sở TN&MT cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp các làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm; hướng dẫn các địa phương có làng nghề rà soát, thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện thực tế.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường sự phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cả cộng đồng dân cư tại các làng nghề về vấn đề bảo vệ môi trường góp phần đẩy lùi ô nhiễm.
Lan Phương
Nguồn:
http://dangcongsan.vn/khoa-giao/ha-noi-bao-dong-o-nhiem-moi-truong-lang-nghe-515792.html