Các cấp Hội tích cực triển khai, nhân rộng các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường
16:23 - 26/12/2019
(MTNT)- Thời gian qua, nhờ có sự tuyên truyền tích cực của các cấp Hội, công tác bảo vệ môi trường được mở rộng với nhiều hình thức như: Gắn với phát triển kinh tế – xã hội; lồng ghép với các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án kinh tế – xã hội tại địa phương và nhất là lồng ghép vào các phong trào thi đua của Hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay đã có 424 tuyến đường “Nông dân tham gia quản lý” tại Hải Phòng.


Tại Tuyên Quang, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã triển khai phong trào "Xây dựng hầm biogas công trình vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi". Theo đó, các cấp Hội đã tích cực triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay cho hội viên, nông dân phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể Biogas bằng vật liệu nhựa Composite; hỗ trợ cho hội viên, nông dân thuộc các xã điểm xây dựng nông thôn mới vay vốn và hỗ trợ lãi suất để xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi, đến nay đã lắp đặt 5.912 hầm biogas và 7.338 công trình vệ sinh; giải ngân 123 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 17 tỷ đồng.
 
 
Tại Hải Phòng, nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, bám sát Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW của Ban Thường vụ TW Hội NDVN về "Nâng cao trách nhiệm của Hội NDVN trong việc tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020", những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết; phát động triển khai cuộc vận động “Xây dựng nông thôn xanh- sạch- đẹp”.
 
 
Hàng năm, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển- Hải đảo Việt Nam; hưởng ứng, phát động phong trào Chung tay hành động vì một "Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”; phát động Tết Trồng cây xanh ven các tuyến đường nông thôn; đường hoa do nông dân quản lý.
 
 
Hội chủ động triển khai xây dựng các mô hình; thành lập 674 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” như: Thu gom rác thải sinh hoạt, dọn vệ sinh đường làng, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất; tham gia dọn vệ sinh vào các sáng thứ bẩy hoặc chủ nhật hàng tuần.
 
 
Ngoài ra, Hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm; gắn trách nhiệm của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, nông dân với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tham gia 1.022 tổ đội thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn nông thôn. Cùng với đó, xây dựng tiêu chí “Tuyến đường nông dân tham gia quản lý”, giao trách nhiệm cho từng cơ sở Hội, chi Hội và hội viên bảo vệ cây xanh, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường này, đến nay có 424 tuyến đường “Nông dân tham gia quản lý”.
 
 
Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội ND thành phố đã chỉ đạo mỗi cơ sở Hội xây dựng một mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” và trực tiếp xây dựng mô hình “Nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” trên các cánh đồng, góp phần làm sạch môi trường; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng hình thức hỗ trợ xây bể chứa, hướng dẫn hội viên sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm dần thay thế thuốc trừ sâu, thuốc BVTV hóa học.
 
 
Ngoài ra, Hội ND thành phố còn tiếp nhận các dự án xây dựng mô hình nông dân gắn sản xuất với bảo vệ môi trường do TW Hội chuyển giao, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường…Đến nay, cán bộ, hội viên toàn thành phố đã đóng góp xây dựng được 2.015 bể chứa, ống bi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng...
 
 
Để người nông dân có kiến thức, hiểu và có trách nhiệm và tham gia tích cực hơn trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2018, Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội NDVN đã xây dựng mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt gia đình gắn tuyên truyền bảo vệ môi trường” tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
 
 
Thông qua mô hình, số thành viên tham gia hàng tháng đều được mời tham dự tập huấn về các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp cho địa phương, đồng thời lồng ghép vào đó là các biện pháp kéo giảm chi phí sản xuất lúa, màu như: Chi phí bón phân, xử lý sâu bệnh…
 
 
Nhờ áp dụng các kiến thức được phổ biến nên nông dân trong mô hình giảm được lượng giống là 100 kg/ha, giảm lượng phân đạm sử dụng từ 30 - 50 kg/ha và giảm 02 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với các hộ bên ngoài mô hình nên lợi nhuận của người dân tăng từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng/ha.
 
 
Người dân tham gia mô hình nói riêng và người dân sản xuất lúa, màu trong vùng nói chung đều nhận thức được lợi ích của việc thu gom rác thải nông nghiệp và áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, phân bón. Qua đó người dân trong vùng đã hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là việc xử lý rác đúng cách tại đồng ruộng.
 
 
Thực hiện tiêu chí 17 về môi trường nông thôn, Hội ND tỉnh Đắk Lắk đã tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình nông dân bảo vệ môi trường như: Thu gom và phân loại rác thải trong sinh hoạt về nơi tập kết của thôn, buôn theo định kỳ hàng tuần; thực hiện việc trồng hoa, cây cảnh hai bên đường thôn, buôn tạo cảnh quan luôn xanh- sạch- đẹp; thực hiện tốt việc xây dựng Mô hình: “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng – nương” đảm bảo đạt tiêu chí hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh; xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chí nông thôn mới; xây dựng mô hình thu gom rác thải.
 
 
Đến nay, có 469 chi Hội báo cáo chi bộ, phối hợp với ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố đăng ký thực hiện mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng – nương”  tại chi, tổ Hội. Các cấp Hội đã xây dựng 15 mô hình điểm về mô hình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh cho hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ 15 mô hình điểm, đến nay đã có hàng trăm hội viên, nông dân hưởng ứng việc phát động xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, tu sửa giếng nước đảm bảo tiêu chí hợp vệ sinh của Hội ND tỉnh.
 
 
Hội đã tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho 1.531 hội viên, nông dân. 100% các chi Hội trên địa bàn 152 xã đã tổ chức triển khai dọn vệ sinh hai bên đường trong buôn và nhà sinh hoạt cộng đồng.
 
 
Tại mô hình điểm, phong trào được các hộ gia đình nông dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia đều đặn, đến nay đã đi vào nề nếp hiệu quả, đường làng ngõ xóm luôn được sạch sẽ, rác thải được để tập trung đúng nơi quy định. Điển hình như: Xã EaTar, Ea Kiết -huyện CưMgar; xã PơngDrang, huyện Krông Buk.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn về thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường...

Huỳnh Kim
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn