|
Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất phân bón sẽ khắc phục những vấn đề tồn đọng của phân bón công nghiệp, hóa chất làm ô nhiễm đất |
Một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan… đã nghiên cứu và sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới với các tính năng và hiệu lực hữu ích. Đó là: Nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ nano; nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh & enzym; nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới; nhóm phân bón được khai thác và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao.
Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công Đề tài “Phát triển phân bón nano tích hợp nhằm tăng năng suất cho cây trồng”. Sản phẩm phân bón nano của viện có thể giúp người nông dân giảm thiểu được đáng kể lượng phân bón sử dụng, do đó tiết kiệm được chi phí.
Ước tính lượng phân bón nano cần thiết cho cây trồng chỉ tương đương với 20% lượng phân bón thông thường. Mặt khác, phân bón nano cho phép tăng năng suất cây trồng nhờ tăng hiệu quả hấp thu dưỡng chất của cây trồng so với phân bón thông thường, do đó mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho nông dân.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cây đậu tương có thể tăng tốc độ phát triển thêm 33%, năng suất hạt tăng 20% khi sử dụng phân bón nano P so với phân lân thông thường. Một nghiên cứu khác cho thấy cây đậu tương khi sử dụng phân bón lá chứa vi lượng Zn dưới dạng nano ZnO nồng độ 20 mg/l đã tăng lần lượt 42%, 41%, 98% và 76% chiều dài rễ, sinh khối rễ, chiều dài thân và sinh khối thân.
Một trong những công nghệ khá mới là sản xuất phân hữu cơ sinh học có hoạt lực cao từ than sinh học (Biochar). Gần đây người ta sử dụng than sinh học (Biochar) bón vào đất để cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng, tăng khả năng giữ dinh dưỡng, giữ nước và cải tạo cấu trúc đất, tăng khả năng cố định carbon trong môi trường. Đã có dự án áp dụng hiệu quả tại một số quốc gia châu Phi. Theo đó, khi bón than sinh học độ no bazơ tăng đến 10 lần, CEC tăng 3 lần nhờ được bổ sung thêm các nguyên tố kiềm K, Ca, Mg vào dung dịch đất, tăng pH đất và tăng dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng trong đất.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lượng than sinh học nhỏ bón vào đất thì cũng tăng một cách đáng kể lượng cation kiềm trong đất, kể cả đạm tổng số và lân dễ tiêu cũng tăng hơn so với đối chứng. Than sinh học không những cải thiện hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu mà còn tăng khả năng giữ dinh dưỡng và nước trong đất do các yếu tố này được hấp thụ vào trong các khe hở của than sinh học, có lợi cho quá trình phát triển của cây trồng.
Tại Việt Nam, Công ty CP phân bón Bình Điền đã sản xuất những loại phân bón thế hệ mới như: Phân NPK + TE có hàm lượng cao (dạng phức hợp 1 hạt); các loại phân bón chuyên dùng (phù hợp với tính chất đất, chủng loại cây trồng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ); các loại phân bón chức năng (Dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng, bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản, tạo thực phẩm chức năng); các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng cao cấp; các loại phân vi lượng hỗn hợp; các loại phân bón thế hệ mới có tính năng, hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.
Tại Sơn La, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm nông nghiệp (từ rơm rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ”. Sau hơn 2 năm triển khai mô hình sử dụng chế phẩm Fito-biomix RR trong xử lý phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Với công nghệ đơn giản, dễ làm, giá thành thấp, thời gian xử lý nhanh, chỉ từ 25-30 ngày, đảm bảo kịp thời vụ nên có thể áp dụng rộng rãi tại các hộ dân, giảm bớt sự hao hụt chất dinh dưỡng trong đất, tiết kiệm chi phí cho sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bổ sung nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất phân bón đã khắc phục những vấn đề tồn đọng của phân bón công nghiệp, hóa chất làm ô nhiễm đất đai, tiêu diệt các loài vi sinh vật có lợi, ô nhiễm nguồn nước và khí quyển; đất cứng lại và nhanh chóng bạc màu, kiềm hóa và cạn kiệt nguồn nước cung cấp; việc sử dụng phân bón thế hệ mới giúp cải thiện được tình trạng tác động xấu đến sức khỏe người nông dân do thường xuyên trực tiếp sử dụng các hóa chất nông nghiệp.