|
Đến năm 2020, sản lượng tôm xuất khẩu có thể đạt trên 832.000 tấn, trong đó, có trên 374.000 tấn phụ phẩm tôm. |
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020, sản lượng tôm xuất khẩu có thể đạt trên 832.000 tấn, trong đó, có trên 374.000 tấn phụ phẩm tôm. Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2025 ước tính cả nước sẽ có hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm. Hiện nay phụ phẩm tôm phần lớn bị xả bỏ hoặc xử lý thô thiếu định hướng như hấp, sấy và nghiền để bán với giá rất rẻ. Nếu được áp dụng khoa học công nghệ, dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thô phẩm cho ngành dược, phụ gia thức ăn chăn nuôi, phân bón và có thể mang về 3 tỷ USD cho Việt Nam.
Tùy thuộc vào loại tôm và yêu cầu chế biến, tỷ lệ phụ phẩm tôm chiếm trung bình 35-45% trọng lượng đầu vào. Theo ước tính của Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), có tới 60% phụ phẩm tôm hiện nay bị xả bỏ, còn lại được xử lý thành phân bón (10%), làm thức ăn chăn nuôi (20%), thực phẩm (5%), dược phẩm (2%).
Phân khúc phụ phẩm là một ngành mới phát triển hoàn toàn tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm đầu ra có giá trị thấp và phần lớn trường hợp việc xử lý môi trường không bài bản và triệt để. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất như đạm, khoáng, chitin, béo… có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như acid amin, peptites, chitosan, glucosamine, astaxanthin… ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp. Nếu đầu tư công nghệ hợp lý, các sản phẩm đầu ra có giá trị tăng vọt rất nhiều so với đầu vào.
Điều đáng mừng là phụ phẩm tôm có rất nhiều giá trị dinh dưỡng nếu chúng ta đầu tư hợp lý thì sẽ được lợi ích kép vừa đóng góp vào nền kinh tế vừa giúp xử lý môi trường. Theo tính toán, giá trị tăng thêm từ phụ phẩm tôm sẽ tăng từ 3-5 lần nếu chế biến thành thức ăn chăn nuôi, 5-10 lần nếu chế biến thành thực phẩm, 15 lần nếu thành mỹ phẩm, 25 lần nếu thành thực phẩm chức năng, 50-100 lần nếu thành dược phẩm.
Trên thế giới, Iceland là một bài học rất thành công về phát triển phụ phẩm từ cá tuyết. Ngành thủy sản Iceland chiếm tỷ trọng lớn trong đó cá tuyết là sản phẩm chủ lực. Trong 30 năm Chính phủ Iceland đã thành công tăng trưởng ngành cá tuyết từ 180.000 tấn lên đến 470.000 tấn. Tuy nhiên do nguồn cá cạn kiệt dần, từ năm 2008 Iceland giảm hạn mức đánh bắt chỉ còn 130.000 tấn/năm để bảo tồn môi trường. Mặt khác, Iceland cũng nhận thấy chi phí xử lý phụ phẩm cao, các sản phẩm tạo ra giá trị thấp. Iceland đã thay đổi nhận thức và cách tiếp cận, tập trung nghiên cứu chuyên sâu thành phần phụ phẩm, nghiên cứu thị trường để tạo ra sản phẩm từ nhu cầu của khách hàng. Đồng thời hỗ trợ các dự án nghiên cứu sản xuất và công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến, thiết lập kết nối đa ngành nhằm tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao từ R&D. Kết quả, Iceland có thể sử dụng đến 95% khối lượng đầu vào, tạo ra hơn 47.000 tấn sản phẩm mới và tạo ra ngành phụ phẩm có giá trị vượt trội với 1.300 sản phẩm tinh chế từ phụ phẩm.
Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển ban đầu của ngành chế biến phụ phẩm. Hiện phụ phẩm tôm thường được dùng để sản xuất chitin thô hoặc bột tôm thô. Với công nghệ lạc hậu và thiết bị thô sơ, sản phẩm tạo ra có chất lượng và giá trị rất thấp, chưa kể vấn đề môi trường thường không được xử lý đúng. Phụ phẩm tôm đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến thủy sản do bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường.
Để tận dụng nguồn phụ phẩm, nhiều công nghệ đã được các chuyên gia giới thiệu nhằm khai thác 'mỏ vàng' của ngành tôm như: Chitin, chitosan, protein thủy phân... có khả năng áp dụng để sản xuất thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp...
Hiện ở Việt Nam chỉ số ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm từ tôm thành thức ăn trong ngành thủy sản, chất dẫn thức ăn, sản xuất chitosan xử lý nước thải... Điển hình là Công ty Việt Nam Food (VNF). Tùy theo mùa, mỗi ngày trung bình VNF thu mua hơn 100 tấn phế phẩm của Công ty Thủy sản Minh Phú (Cà Mau).
VNF đã xây dựng hệ thống băng tải để đầu, vỏ tôm vào luôn bồn chứa. Với quy trình này, thời gian tối đa từ khi thứ phẩm được tách ra khỏi dây chuyền sản xuất của nhà máy tôm đến khi VNF thu gom chỉ 30 phút, giải quyết tốt bài toán về ô nhiễm môi trường.
Theo ông Hoàng Việt Tùng- thành viên HĐQT Công ty VNF, nếu mua phụ phẩm đầu, vỏ tôm về chỉ để sản xuất thức ăn gia súc thì hiệu quả kinh tế mang lại không lớn bằng nghiên cứu ra chất dẫn dụ sinh học. Trong khi một ký đầu tôm bán thô cho ngành sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng, chưa kể giá lên xuống bấp bênh thì khi sử dụng nguyên liệu này để chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc..., giá bán ra hơn 20.000 đồng, giá trị tăng gấp 5 lần. Nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm, nhựa nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác thì giá bán đến 400 - 500 USD/kg, nếu sử dụng trong ngành y tế như băng y tế, tái tạo da nhân tạo... thì giá lên tới 1.000 USD/kg. Chỉ trong vòng 12 tháng, doanh thu đầu tiên của VNF đến từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi (dịch tôm thủy phân), thực phẩm (dịch tôm tươi, bột tôm, gạch tôm sa tế), dược phẩm sinh học, đã tăng trưởng 15 lần.
Việc nghiên cứu thành công dòng sản phẩm dịch tôm thủy phân được xem như một bước đột phá, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới trong nguyên liệu của ngành thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 2 tỷ USD bột cá Peru, bằng nguyên giá trị nhập khẩu của toàn bộ ngành dược phẩm. VNF tạo ra dịch tôm thủy phân này nhằm giúp ngành thức ăn chăn nuôi giảm phụ thuộc vào bột cá nhập khẩu có giá cao.
Trong một thực nghiệm độc lập được nhóm các trường đại học trong ngành thủy sản và nông nghiệp nghiên cứu, kết quả sau 270 ngày nuôi cá tra và 80 ngày nuôi heo bằng nguồn thức ăn chăn nuôi sử dụng chất dẫn dịch tôm thủy phân, chi phí thức ăn lần lượt giảm 2% và 11%, tương ứng với mức tăng lợi nhuận ròng 42% và 25%.
Khác với nhiều ngành công nghiệp khác, phụ phẩm nếu không xử lý thì giá trị sẽ mất ngay chưa kể lại trở thành hiểm họa môi trường. Ước tính với hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm và trình độ công nghệ tiên tiến, thế giới có thể tạo ra gần 2 tỷ USD so với khả năng chúng ta chỉ tạo ra khoảng gần 300 triệu USD. Nguyên nhân chính là khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa được định hướng đồng bộ. Nếu chúng ta có các định hướng để công nghiệp hóa hoặc thương mại hóa thì khoảng cách 1,7 tỷ USD sẽ chắc chắn giảm dần theo thời gian đồng thời chúng ta cũng góp phần bảo vệ môi trường, giúp chuyển dịch nền kinh tế sang chế biến sâu và đào tạo nguồn nhân lực cao cấp.
Để hỗ trợ ngành chế biến phụ phẩm tôm phát triển, cần liên kết toàn chuỗi giá trị tôm để bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững; xác định phát triển phụ phẩm như là một ngành mũi nhọn mới với nhiều giá trị tạo ra, trong đó ngoài yếu tố bảo vệ môi trường; hành động ngay để không lãng phí tài nguyên hàng ngày thông qua các chương trình hành động kiên quyết cho phép chúng ta sản xuất lớn và thương mại hóa thành công sản phẩm tạo ra trong thời gian ngắn nhất. Để làm được điều đó cần sự hợp sức từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp trong chuỗi và các trường, viện, góp phần tích cực vào cơ cấu toàn chuỗi giá trị và thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.