(MTNT) - Nông nghiệp là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 sau ngành năng lượng, chiếm 38,9% tổng lượng khí nhà kính, góp phần gây nên biến đổi khí hậu. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng này, Việt Nam đã và đang triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh để giải quyết các bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng trưởng xanh và sản xuất nông nghiệp bền vững.
|
Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán kéo dài tại nhiều địa phương |
Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế-xã hội Việt Nam là rất nghiêm trọng và là một thách thức cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước; trong đó, sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung.
Trên hệ thống đê sông Hồng ở Bắc Bộ và sông Cửu Long ở Nam Bộ thường xuyên bị lũ đe dọa, gây ngập lụt hàng triệu đất canh tác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Các số liệu tổng kết đã chỉ ra rằng, mưa bão gây ra ngập lụt cho các cây lương thực chủ yếu là cây lúa ở các tỉnh miền Trung. Bình quân mỗi năm nơi đây có 12 vạn ha lúa bị úng ngập, trong đó có trên 3,6 vạn ha bị mất trắng, 7 vạn ha bị ảnh hưởng và có trên 6,2 vạn ha hoa màu bị ngập.
Bên cạnh đó, hạn hán cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại cho nông nghiệp, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ có vụ Hè Thu bị khô hạn do ảnh hưởng của gió Tây khô nóng. Đến năm 2100 nếu nước biển dâng cao 1m vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Như vậy, nước ta sẽ có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 bởi đã mất đi 21,39% sản lượng lúa cả nước.
Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả hai phương diện giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu. Đó là Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2008); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011); Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu (2012); Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2012); Nghị quyết số 24/NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngoài việc ban hành các chính sách, Việt Nam cũng tham gia Liên minh toàn cầu về nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH (GACSA), góp phần thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và cách tiếp cận chính sách đối với nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hành và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về nông nghiệp thông minh; tiếp cận, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật; thực hiện thành công Đề án Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và ban hành các chính sách ứng phó như Khung chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (2008) và Kế hoạch hành động ứng phó của ngành giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2050. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu và thích ứng, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 809 ngày 28/3/2011 về việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành giai đoạn 2011 – 2015, với một số nội dung: Lồng ghép biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với các lĩnh vực nông nghiệp theo phương châm tích cực giảm phát thải khí nhà kính và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức được tầm quan trọng và tác động tích cực của nông nghiệp thông minh đối với sự phát triển bền vững, Bộ đã có những chủ trương, chính sách thúc đẩy và triển khai các thực hiện nông nghiệp thông minh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều mô hình đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng; nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy vậy, phát triển nông nghiệp thông minh vẫn còn khá mới nhưng là một xu thế quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn ở quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, hoạt động sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải giảm khí nhà kính. Nông nghiệp cần phải tận dụng các thành quả của làn sóng công nghệ để có sự chuyển đổi thích hợp, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu mới..
Theo đó, cần thúc đẩy và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh. Cụ thể là nâng cao nhận thức cho các tầng lớp xã hội từ các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò của phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, cũng như định hướng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông minh trong điều kiện mới của Việt Nam. Đưa chính sách phát triển nông nghiệp thông minh lồng ghép vào các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, ngành. Trước hết là chính sách quản lý đất đai bền vững vào quy hoạch phát triển nông nghiệp; an ninh lương thực, an sinh xã hội, giảm nghèo vào chính sách biến đổi khí hậu; tài chính (ổn định giá, bảo hiểm nông nghiệp…) vào chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời thiết lập và củng cố các thể chế, hỗ trợ phát triển mạng lưới các nhà cung cấp yếu tố “đầu vào” và các dịch vụ trong nông nghiệp như sửa chữa máy móc thiết bị nông nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường; cung cấp và duy trì nguồn gen phù hợp với khí hậu; hỗ trợ tài chính, liên kết, lồng ghép hài hòa giữa tài chính cho biến đổi khí hậu và tài chính nông nghiệp truyền thống thông qua thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu như hệ thống đường giao thông, đê và kè, thủy lợi, hệ thống cảnh báo sớm, bảo trợ xã hội, quản lý rủi ro thiên tai; ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh, bao gồm nhà kính, tưới tiêu tự động tiết kiệm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, giống chất lượng cao, sau thu hoạch....
Thực hiện các mô hình thử nghiệm và tập trung triển khai những mô hình nông nghiệp thông minh ở một số vùng lựa chọn, ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với thực tiễn; tái cấu trúc lại các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, phát triển các hộ gia đình cá thể trở thành doanh nghiệp nhỏ, hoặc liên kết hộ gia đình dưới sự quản lý của một doanh nghiệp lớn; xây dựng chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất cho đến các nhà hàng, siêu thị là đầu ra cho sản phẩm; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông minh, đặc biệt là mô hình “liên kết 4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học”); có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân tăng thu nhập cùng với hình thành các vùng nông nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp thông minh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Thời gian qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nông nghiệp thông minh. Vì thế, Việt Nam cần tận dụng tối đa những cơ hội này, mặt khác cải thiện môi trường đầu tư vào nông nghiệp, cũng như thu hút hơn nữa sự tham gia của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện nông nghiệp thông minh trong thời gian tới.