Báo động tình trạng ô nhiễm không khí
16:12 - 31/10/2018
(Cổng ĐT HND) - Ngày nay, vấn đề ô nhiễm không khí đang diễn ra ngày nghiêm trọng và khó khắc phục hơn ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. 

Các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu bao gồm hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, và xử lý và chôn lấp chất thải


Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra, ngoài ra còn do một số hoạt động tự nhiên khác có tác động tiêu cực tới môi trường. 


Ô nhiễm không khí không phân biệt biên giới. Việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi những hành động mang tính lâu dài và có sự điều phối của chính quyền các cấp. Các quốc gia, bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra các giải pháp.


Ô nhiễm không khí hiện đang ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trong khu vực châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng cứ 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) và không khí trong hộ gia đình (bên trong).


Các hạt bụi mịn trong không khí bị ô nhiễm xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch. Trong số 2,2 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí ở khu vực Tây Thái Bình Dương, 29% là do bệnh tim, 27% do đột quỵ, 22% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 14% do ung thư phổi và 8% do bệnh viêm phổi.


Tiến sỹ Maria Neira, Giám đốc của Ban Các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng tới Sức khỏe cộng đồng của WHO chia sẻ: Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã vượt quá 5 lần mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí. Điều này gây ra nguy cơ rất cao đối với sức khỏe con người.


Chúng ra có thể thấy chính phủ các nước ngày càng quan tâm tới thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu này. Số lượng các thành phố đang thu thập số liệu ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy sự cam kết đối với việc theo dõi và đánh giá chất lượng không khí.


Tất cả khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.


Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.


Cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí bên ngoài của WHO hiện bao gồm dữ liệu của hơn 4.300 thành phố trên 108 quốc gia, trong đó có Hà Nội.


Theo cơ sở dữ liệu của WHO, nồng độ trung bình PM10 ở Tp Hà Nội là 102.3 μg/m3 và PM2.5 là 47.9 μg/m3. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Tp Hà Nội có 82 ngày nồng độ bụi PM2.5 trung bình 63,2 µg/m3 vượt chuẩn thế giới. 


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu bao gồm hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, và xử lý và chôn lấp chất thải.


 “Chúng tôi đã phân tích chất lượng không khí ở Hà Nội dựa trên dữ liệu quan trắc công khai và luôn kiến nghị lắp đặt thêm các trạm quan trắc để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Anh Thư, nghiên cứu viên GreenID cho biết.


Khảo sát với 1.000 người dân của GreenID cũng cho thấy giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là yếu tố gây ra ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố.


Trước thực trạng trên, Tp Hà Nội đã lắp thêm 10 trạm quan trắc không khí, gồm hai trạm cố định và 8 trạm cảm biến.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng trên vẫn chưa đủ, chưa phản ánh đầy đủ hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố. Vì vậy, Hà Nội dự tính lắp thêm 70 trạm mới trong thời gian tới.


Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 loại bỏ bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ trên cánh đồng.


Song song đó là nâng cao năng lực nhận thức về ô nhiễm không khí và sức khỏe môi trường, hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng về việc cải thiện môi trường sống.


Các nhà nghiên cứu đề xuất, nếu khu vực quận, huyện có chỉ số ô nhiễm không khí trên mức cho phép thì các cơ quan quản lý nên dừng việc quy hoạch phát triển các nhà máy, khu công nghiệp, hạn chế phương tiện giao thông; đồng thời, các nhà máy cần có mới giới hạn xả thải, tức trong một tháng hay một quý, họ chỉ được thải một lượng khí thải nhất định góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.


 

Bảo Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn