Tăng cường xử lý chất thải từ trang trại
10:35 - 18/12/2018
(MTNT) - Theo dự báo của ngành tài nguyên và môi trường, với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi thì từ nay đến năm 2020, khối lượng chất thải chăn nuôi tăng nhanh, nhất là chất thải chăn nuôi lợn.
Các địa phương cần tiến hành lựa chọn hộ thí điểm quản lý, sử dụng chất thải chăn nuôi trong hệ thống trang trại


Nước ta hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi với 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn có khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường - TN&MT) Hoàng Văn Thức cho rằng, thực trạng ô nhiêm môi trường do chất thải chăn nuôi đang ngày càng nghiêm trọng, xuất phát từ việc xử lý chất thải động vật và sử dụng thức ăn thương phẩm chưa tốt.


Chỉ tính riêng nước thải chăn nuôi ra môi trường mỗi ngày đã lên đến 680 triệu m3. Đáng chú ý, trong số đó, chỉ có 60% được xử lý nhưng không đạt chuẩn cho phép; còn lại 40% không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường.


Đây là nguyên nhân khiến nguồn nước mặt, nước ngầm, đất và cả không khí xung quanh khu vực có hoạt động chăn nuôi bị ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.


Hiện nay, hệ thống các văn bản về quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi đã dần được hoàn thiện; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi không ngừng được bổ sung, nâng cấp.


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một trong những bất cập hiện nay là vẫn chưa có quy định cụ thể về tái sử dụng nước thải chăn nuôi vào mục đích (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản).


Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi chưa được chú trọng.


Mặt khác, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi còn cao so với khả năng ứng dụng thực tế, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện tại.


Điều này dẫn đến hầu hết các trang trại đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra do chưa có công nghệ xử lý môi trường hiệu quả để theo kịp các quy định về xả thải môi trường.


Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, đại diện lãnh đạo một số địa phương cho hay, phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường.


 Trong khi đó, ngân sách địa phương hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động bảo vệ môi trường. Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường chăn nuôi; rà soát, bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật, quy trình khảo, kiểm nghiệm vật nuôi phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi và môi trường chăn nuôi; bổ sung ngân sách đối với các hoạt động điều tra, khảo sát về môi trường chăn nuôi, hỗ trợ bảo vệ môi trường; ưu tiên cho các chính sách tài chính, hoạt động phát triển chăn nuôi gắn liền bảo vệ môi trường; khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và tầm ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.


Ngoài ra, phải kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên về các vùng, cơ sở ô nhiễm môi trường để sớm có phương án quản lý và khắc phục hiệu quả.


Các tỉnh, thành cần tiến hành lựa chọn hộ thí điểm quản lý, sử dụng chất thải chăn nuôi trong hệ thống trang trại. Bởi mô hình sẽ góp phần xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi; giúp hộ chăn nuôi làm ra nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ; tạo khí sinh học chạy máy phát điện; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng thu nhập cho người dân.


Tại Hội thảo “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xoá bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực; quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thuỷ sản hoặc phân bón; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi. 


Để giải quyết thực trạng ô nhiễm báo động trong ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo điều kiện cho họ có thể tiếp cận với các phương pháp xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường các chế tài xử lý, đủ sức răn đe đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.


Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để quản lý và sử dụng chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.


Như vậy, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái. Việc xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với công tác bảo vệ môi trường và cộng đồng.

 

Hạ Vy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn