|
Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh hiệu quả sẽ tăng dần ở những vụ sau do lượng vi sinh vật tồn dư giúp cải tạo đất |
Mỗi năm, người nông dân sử dụng tới 11 triệu tấn phân vô cơ (phân hóa học) để bón cho cây trồng. Mặc dù sử dụng lượng phân bón vô cơ khổng lồ mỗi năm, Việt Nam lại nằm trong nhóm các quốc gia có hiệu suất sử dụng phân bón thấp nhất trên thế giới. Chưa đến 50% lượng phân bón sử dụng được cây trồng hấp, phần còn lại thất thoát ra môi trường, ngấm vào đất, vào nước và tồn dư trên bề mặt của nông sản.
Đã có nhiều nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm phân bón vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vừa chống thất thoát để giảm chi phí và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường tại một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như: Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ...
Một số loại phân bón thế hệ mới được xếp theo nhóm như sau: Nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ nano; nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh và enzym; nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới; nhóm phân bón được khai thác và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao.
Ngoài ra, còn các loại phân bón chuyên dùng (phù hợp với tính chất đất, chủng loại cây trồng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ); các loại phân bón chức năng (dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng, bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản, tạo thực phẩm chức năng); các loại phân vi lượng hỗn hợp…
Một số nhà khoa học Nhật Bản, Autralia, Thái Lan và Việt Nam đã nghiên cứu phối chế phân đạm (ure, SA) với một số loại bột quặng tự nhiên như Silicon, Zeolite để sản xuất phân đạm chậm tan. Các sản phẩm này dựa trên cơ chế liên kết lý-hóa học mà nhờ đó làm giảm tốc độ tan của phân đạm, giảm sự mất đạm do trực di và do chuyển hóa để thành NH3 hoặc N2 bay hơi vào khí quyển. Công nghệ này cũng góp phần tiết kiệm lượng đạm bón vào từ 20-30%.
Với công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học có hoạt lực cao từ than sinh học (Biochar), đã có dự án áp dụng rất hiệu quả tại một số quốc gia của châu Phi. Theo đó, khi bón than sinh học độ no bazơ tăng đến 10 lần, CEC tăng 3 lần nhờ được bổ sung thêm các nguyên tố kiềm K, Ca, Mg vào dung dịch đất, tăng pH đất và tăng dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng trong đất.
Ở nước ta đã có một số sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Phân bón Hữu cơ Lam Sơn (NPK Lam Sơn) được sản xuất từ mùn mía, phân bò, than bùn... của Công ty Cổ phần Phân bón Lam Sơn (Thanh Hoá); phân Lân Văn Điển thuộc phân đa yếu tố, đa tác dụng, chậm tan của Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển; phân bón Urea hạt vàng Đầu Trâu 46A+, NPK Đầu trâu +Agrotain của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; dòng sản phẩm phân bón hữu cơ gồm phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm…
Hiệu quả các loại phân bón thế hệ mới đã được chứng minh trong thực tế khi cho hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dùng.
Ông Đặng Chính, xóm 14, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy (Nam Định) cho biết: Những bông lúa nặng trĩu, chắc mẩy trên thửa ruộng là thành quả của việc gia đình ông đã sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế một phần phân bón vô cơ thông thường. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây lúa cứng cáp, cao lớn hơn, ít ngã đổ, dù chi phí có cao một chút nhưng bù lại tỷ lệ sâu bệnh rất thấp, nên chi phí mua thuốc BVTV lại giảm.
Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh không những giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí vì lượng phân bón và thuốc BVTV đều giảm. PGS.TS Phạm Thị Vượng, Quyền Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, khi sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, phân bón hoá học trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp sẽ bảo đảm môi trường sống và nguồn nước “sạch” hơn; môi trường canh tác, cây trồng sẽ “khoẻ hơn”, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng như các loại thuốc BVTV khác; cho ra sản phẩm nông sản “sạch” và an toàn hơn, có giá trị hơn trên thị trường, tăng khả năng xuất khẩu; đồng thời tận dụng được các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để tái sử dụng vào sản xuất phân bón hữu cơ.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ngành phân bón hữu cơ bởi mỗi năm có khoảng từ 60-70 triệu tấn phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trong thủy sản có khoảng 20 triệu tấn có thể tái sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Ngoài ra, chúng ta còn có nguồn phân bùn dồi dào và rất có giá trị để sản xuất phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ ở nước ta sẽ mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế, nếu phát triển tốt sẽ có thể tạo thành một chuỗi giá trị “khép kín”.
Tính đến tháng 12-2017, tại Việt Nam, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong Giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm. Cả nước hiện có 180 cơ sở được cấp phép sản xuất phân bón hữu cơ, trong đó, có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phân bón hữu cơ với tổng công suất đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Đến năm 2020, nước ta cần đạt công suất 3 triệu tấn/năm đối với phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp.
Để phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững chúng ta phải xây dựng nền nông nghiệp có hệ thống các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Đây là chủ trương của Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi việc lạm dụng phân bón vô cơ, phân bón hoá học.