Yên Bái: Ứng dụng công nghệ sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường
15:40 - 27/03/2017
(MTNT)- Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố về an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong ngành nông nghiệp có nhiều ưu điểm vượt trội, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, vật nuôi, cây trồng cũng như không gây ô nhiễm môi trường đã góp phần đáp ứng tốt yêu cầu này.
Sử dụng chế phẩm sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã tìm kiếm các giải pháp mới mang tính đột phá theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái ít cần đến sự can thiệp của các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
 
 
EMINA là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu do Viện Sinh học Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân lập và sản xuất theo kết quả của một dự án cấp bộ. Chế phẩm này đã được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới năm 2010 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép vào danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường năm 2013.
 
 
Sử dụng các loài vi sinh vật có lợi như vi khuẩn Lacto (dùng sản xuất sữa chua), vi khuẩn Bacillus (men tiêu hóa) và nấm men Saccharomyces (men rượu), EMINA khi vào môi trường làm lệch cân bằng theo hướng có lợi cho con người, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng và vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
 
 
Đầu năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA trong việc phòng chống bệnh chảy gôm và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cây bưởi tại xã Đại Minh. 5 hộ tham gia thử nghiệm với diện tích 2,1 ha đến nay cho hiệu quả rõ rệt so với trước khi sử dụng chế phẩm này: quả bưởi to hơn, vỏ quả bóng đẹp và không bị các nốt chấm, vị ngọt hơn, không bị vàng lá, cây không bị rêu bám, đặc biệt là đã trị được bệnh chảy gôm. Nhờ vậy, giá trị kinh tế mà các hộ thu về qua các năm đều tăng.
 
 
Từ mô hình đầu tiên này, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho 510 hộ nông dân, tặng chế phẩm EMINA cho bà con dùng thử trên địa bàn 4 xã: Vĩnh Kiên, Yên Bình, Vũ Linh, Bạch Hà. Sau đó, Trạm tiếp tục tổ chức 18 lớp tập huấn, tặng sản phẩm cho 1.500 hộ sử dụng thử chế phẩm ở 15 xã đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn.
 
 
Đối với các mô hình mở rộng, hiện trên địa bàn huyện Yên Bình có 6 hộ sử dụng chế phẩm EMINA trên cây ăn quả có múi ở xã Đại Minh, Mỹ Gia, Hán Đà cho hiệu quả cao trong phòng trị bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh rêu, bệnh rỉ sắt đốm nâu, hạn chế sâu vẽ bùa, chống rụng hoa và quả non...
 
 
Trên cây thanh long ở 4 hộ của xã Mỹ Gia, Bạch Hà, Cảm Nhân có tác dụng tốt phòng trị bệnh đốm nâu trên thân cành, nấm tắc kè trên quả, quả mọng, sáng và ngọt hơn; 2 hộ ở xã Yên Bình, Văn Lãng ứng dụng trên cây chè cho hiệu quả cao trong việc phòng trị bệnh tóc đen, bệnh đốm nâu, phồng lá chè, hạn chế rầy, ngăn ngừa nấm bệnh, phân hủy chất hữu cơ ngăn ngừa sự hình thành khí độc, làm lá sáng bóng, cây khỏe, bộ rễ và tán lá phát triển, giảm tỷ lệ búp mù, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; 2 hộ ứng dụng trên cây lúa tại xã Bạch Hà, Cảm Nhân giúp phòng trị bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở giai đoạn ôm đòng đạt hiệu quả cao.
 
 
Trong chăn nuôi, từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái” có quy mô 1.500 m2 ở 20 hộ của xã Tân Thịnh, Văn Tiến (thành phố Yên Bái) và xã Minh Quân, Vân Hội (huyện Trấn Yên). Việc sử dụng chế phẩm sinh học EMINA đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vật nuôi sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, nhất là an toàn cho vật nuôi và người sử dụng.
 
 
Ngoài ra, trong suốt quá trình nuôi, người chăn nuôi không phải dọn rửa chuồng nhiều lần, giảm tới 50% công lao động; giảm chi phí về thuốc thú y, thuốc diệt côn trùng; vi sinh vật trong chế phẩm giúp cho hầm biogas hoạt động tốt hơn, không bị đóng váng bề mặt, chất lượng gas tốt hơn, giảm mùi khó chịu; nguồn phân sau khi phun chế phẩm trở thành phân hữu cơ vi sinh, nhanh hoai, sạch, phục vụ cho trồng trọt, bảo đảm an toàn cho cây trồng và người sử dụng. Cách sử dụng chế phẩm hết sức đơn giản, dễ làm cũng như có giá thành rẻ, dễ mua trên thị trường.
 
 
Chế phẩm sinh học EMIC cũng được một số địa phương trong tỉnh ứng dụng. EMIC (bộ vi sinh vật hữu hiệu) là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu bao gồm: vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật tổng hợp chất dinh dưỡng, vi sinh vật sinh chất kháng sinh... Một gam chế phẩm chứa trên 1 tỷ vi sinh vật.
 
 
Chế phẩm này có tác dụng phân giải rác thải, phế thải nông nghiệp, mùn hữu cơ và phân chuồng làm phân hữu cơ vi sinh; phân giải nhanh chất thải hữu cơ trong nước thải, thúc đẩy nhanh quá trình làm sạch nước thải; làm giảm tối đa mùi hôi thối của chất thải; hạn chế mầm bệnh trong chất thải. Việc tận dụng rác thải, phế thải nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm ủ với chế phẩm không những rút ngắn thời gian phân hủy thành phần hữu cơ mà còn tiêu diệt một số mầm bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra vì trong quá trình ủ, có một lượng nhiệt lớn được sinh ra.
 
 
Bắt đầu từ tháng 12/2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Nhà máy sắn Văn Yên thực hiện mô hình làm phân hữu cơ từ vỏ sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC. Có 180 hộ dân thuộc địa bàn 4 xã trong vùng nguyên liệu sắn của huyện là Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình đã triển khai ở diện tích 60 ha với hơn 420 tấn phân ủ.
 
 
Kết quả, sắn của mô hình được bón phân hữu cơ vi sinh so với sắn ở mô hình đối chứng làm theo cách thông thường của các hộ dân có các chỉ số về chiều cao cây, đường kính gốc, độ cao phân cành trung bình đều cao hơn từ 10-20%, mắt dày hơn, số củ trên khóm nhiều hơn, lại giảm được 40% chi phí đầu tư phân bón hóa học. Đặc biệt, đất tại những diện tích sắn được bón phân hữu cơ vi sinh tơi xốp hơn, độ ẩm cao hơn, tỷ lệ mùn cao hơn nên tiềm năng năng suất trong những năm tiếp theo cũng sẽ được giữ vững và nâng cao.
 
 
Qua thực tế nhiều vụ cho thấy, sử dụng chế phẩm sinh học không những tận dụng được những phế phụ phẩm nông nghiệp, làm giảm mức độ ô nhiễm mà còn đem lại nguồn phân hữu cơ. Kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp do tận dụng được toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt, có thêm nguồn phân bón cho cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường là ưu điểm vượt trội mà người dân nhận thấy khi sử dụng chế phẩm sinh học mang lại.
 
 

Ngọc Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn